Tin Hoạt động >> Thống kê

Chăn nuôi gia súc, gia cầm huyện Trấn Yên theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn.

23/02/2023 08:16:04 Xem cỡ chữ Google
Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn giúp người dân có thu nhập cao là một trong những thế mạnh của huyện Trấn Yên, để phát triển chăn nuôi trở thành thế mạnh của địa phương, ngay từ đầu năm 2023 huyện Trấn Yên đã tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn tích cực tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá.

Hiện nay, tổng đàn gia súc chính của huyện Trấn Yên đạt gần 79.000 con, trong đó, đàn trâu hơn 4.300 con; đàn bò trên 1.500 con; đàn lợn trên 70.000 con…;  Bên cạnh đó, huyện có đầu đàn gia cầm gần 1,8 triệu con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn huyện năm 2022 đạt gần 12.000 tấn. Đến nay, Trấn Yên có 61 cơ sở chăn nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên; 143 cơ sở chăn nuôi lợn từ 30 con trở lên và trên 280 cơ sở nuôi gia cầm, trên 1500 hộ nuôi tằm. Ngoài ra, huyện cũng có những cơ chế chính sách giúp người dân vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội, để người dân có điều kiện tập trung mua con giống phát triển chăn nuôi. Hỗ trợ nhân dân từ khâu chọn con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, nhờ đó người dân đã mạnh dạn đầu tư tăng số lượng vật nuôi, cũng như đảm bảo về chất lượng đàn gia súc, gia cầm.

 Để phát triển chăn nuôi trở thành thế mạnh của địa phương, huyện Trấn Yên đã tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn tích cực tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, từng bước phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá. Thực hiện tốt  chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 69/NQ-HĐND của HĐND tỉnh giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó huyện đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, lồng ghép nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho người chăn nuôi để xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, vừa qua tổ chức Sanmaritan’s Purse cùng Tỉnh hội Phụ nữ Yên Bái đã hỗ trợ 40 con bò sinh sản trong khuôn khổ Dự án “Sinh kế và dinh dưỡng xã Hồng Ca” cho 40 hộ tại 2 thôn Hồng Lâu và Khe Ron. Đã hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho 24 cơ sở chăn nuôi lợn bao gồm:  Chăn nuôi lợn thịt trên 100 con: 6 cơ sở; 143 hộ quy mô từ 30 con trở lên; chăn nuôi lợn nái 15 con/hộ: 13 cơ sở; chăn nuôi lợn kết hợp 5 nái và 50 lợn thịt: 4 cơ sở, chăn nuôi lợn nội 3 lợn nái và 20 lợn thịt: 01 cơ sở. Bên cạnh đó tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, không sảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn đồng thời giá thịt lợn hơi giữ giá tương đối ổn định đã tạo động lực cho người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng tập trung với quy mô trang trại, gia trại không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là hướng đi thúc đẩy phát triển chăn nuôi hàng hóa hiệu quả đã góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao. Chăn nuôi gia cầm đã tập trung phát triển theo hướng an toàn sinh học, có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y. Mặt khác, huyện còn vận dụng linh hoạt và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân mở rộng quy mô, hình thành nhiều cơ sở chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại; tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện có 286 hộ chăn nuôi quy mô lớn từ 1000 con trở lên, tuy giá thức ăn chăn nuôi tăng nhưng giá gà hơi nuôi theo hình thức bán công nghiệp đã được cải thiện, tăng từ 50.000đ /kg lên 80.000 đ/kg. Thời điểm hiện tại giá gà vấn giữ ở mức ổn định, người chăn nuôi có lãi nên nhiều hộ trở lại quy mô nuôi ban đầu và tăng đầu đàn để phục vụ nhu cầu thị trường. Ngoài chăn nuôi gia súc gia cầm, huyện Trấn Yên là huyện dẫn đầu về  phát triển trồng dâu nuôi tằm. Sản lượng kén tằm năm 2022 đạt 1.168,88 tấn,  nhờ tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, đến nay huyện Trấn Yên đã trở thành vựa dâu tằm lớn nhất miền Bắc với vùng trồng dâu rộng lớn trên 800 ha có hơn 1.500 hộ dân nuôi tằm. Với giá kén tằm ổn định trong dao động từ 105 đến 125 nghìn đồng/1 kg kén, bên cạnh đó được chính quyền địa phương các cấp động viên khuyến khích, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, nên người dân đã tích cực chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất gò bãi sang trồng dâu nuôi tằm.. Trong sản xuất đã có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ trồng dâu nuôi tằm với các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Huyện đã thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp về nghề trồng dâu nuôi tằm, liên kết với các đơn vị khoa học từ trung ương chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới... Nghề trồng dâu nuôi tằm đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn, cây dâu, con tằm đang là cây, con chủ lực mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện.

            Để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn giúp người dân có thu nhập cao, bền vững, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, kiểm tra, theo dõi giám sát tình hình phòng chống  dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện,  hướng dẫn người dân vệ sinh khu vực chăn nuôi, phun tiêu độc khử trùng, chủ động công tác phòng, chống các loại bệnh dịch nguy hiểm, vận động nhân dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá./.

Anh Đào

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h