Tin Hoạt động >> Thống kê

TRẤN YÊN THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ XÃ HỘI GIỮA NHIỆM KỲ (2021-2023).

15/06/2023 09:18:45 Xem cỡ chữ Google
Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2020 – 2025, xác định mục tiêu xây dựng huyện Trấn Yên phát triển toàn diện gắn với mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đảng bộ huyện Trấn Yên triển khai thực hiện nhiệm vụ có nhiều thuận lợi và cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, sáng tạo, linh hoạt cụ thể hóa đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tiễn của địa phương, đến nay huyện Trấn Yên đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 28 chỉ tiêu chủ yếu. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, kết quả các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Dự ước hết năm 2023 có: 11 chỉ tiêu vượt; 3 chỉ tiêu đạt; 8 chỉ tiêu đạt trên 70%; 3 chỉ tiêu đạt từ 50 - 70% và 3 chỉ tiêu đạt dưới 50% mục tiêu Nghị quyết.

 Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, theo các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết chuyên đề, các đề án, chính sách của tỉnh về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh đều tăng so với đầu nhiệm kỳ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trồng mới 279,3 ha dâu, nâng tổng diện tích dâu lên 895,1 ha, ước đến hết năm 2023 trồng mới 295 ha dâu, nâng tổng diện tích dâu lên 910,8 ha; sản lượng kén ước đạt 1.400 tấn, tăng 400 tấn so với đầu nhiệm kỳ. Trồng mới 143,2 ha cây ăn quả có múi, nâng tổng diện tích cây ăn quả có múi lên 906,2 ha, ước đến hết năm 2023 trồng mới đạt 150,6 ha, tổng diện tích cây ăn quả có múi đạt 912,6 ha, sản lượng quả có múi đạt 3.800 tấn. Phát triển trồng mới và trồng thay thế 159 ha cây dược liệu, diện tích cây dược liệu đạt 226 ha (diện tích cây khôi nhung là 120 ha). Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn sinh học gắn với các chuỗi giá trị, đến nay trên địa bàn huyện có 743 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô tập trung. Tổng đàn gia súc chính 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 77.629 con, bằng 70,6% mục tiêu Nghị quyết; cả năm ước đạt 83.100 con, bằng 75,5% mục tiêu Nghị quyết. Thực hiện tốt công tác trồng mới và trồng thay thế diện tích đã khai thác, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã trồng được 8.409 ha rừng, diện tích trồng rừng hằng năm đều vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra; duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 70% (tương đương diện tích có rừng 44.040 ha). Phát triển vùng quế đạt 20.000 ha (xây dựng vùng quế an toàn theo hướng hữu cơ đạt 9.000 ha, trong đó có chứng nhận đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ 2.400 ha). Trồng mới 630 ha tre Bát Độ, nâng tổng diện diện tích tre toàn huyện lên 4.206 ha, sản lượng măng Bát Độ thương phẩm cả năm 2023 ước đạt 33.000 tấn. Triển thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC - FM), đến nay có 1.730,3 ha đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Hoàn thành Đề án “Xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hóa giai đoạn 2021 - 2025”; tập trung lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách, huy động các nguồn lực trong xã hội để xây dựng nông thôn mới; kết cấu hạ tầng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đến năm 2023 đạt 99,4%; Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý ở khu vực nông thôn đạt 42,0%. Đến nay, Trấn Yên có 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 10 xã nông thôn mới nâng cao, duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và 104 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; dự kiến hết năm 2023, có 05 xã nông thôn mới kiểu mẫu, bằng 83,3% mục tiêu Nghị quyết; 14 xã nông thôn mới nâng cao, bằng 87,5% mục tiêu Nghị quyết; 120 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, bằng 133,3% mục tiêu Nghị quyết, huyện đang tập trung triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Sản xuất công nghiệp phát triển hiệu quả, thân thiện với môi trường, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, tạo đột phá cho phát triển kinh tế của huyện. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương, thu hút 19 dự án đăng ký đầu tư sản xuất, kinh doanh vào địa bàn, với tổng vốn đăng ký trên 2.047,8 tỷ đồng trong đó có 1.426,3 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư vào các khu cụm công nghiệp (chiếm tỷ lệ 69,7% tổng vốn đăng ký đầu tư) góp phần gia tăng thêm giá trị sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã quy hoạch, thành lập 2 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Minh Quân và Khu công nghiệp Trấn Yên) với tổng diện tích đất là 362,47 ha; 04 cụm công nghiệp (cụm công nghiệp Báo Đáp, tỷ lệ lấp đầy đạt 35,3%; cụm công nghiệp Hưng Khánh, tỷ lệ lấp đầy đạt 39,22%, cụm công nghiệp Minh Quân đang thực hiện công tác GPMB, cụm công nghiệp Bảo Hưng) với tổng diện tích 179 ha. Đang quy hoạch phát triển mới khu công nghiệp Y Can với diện tích quy hoạch 350 ha, 03 cụm công nghiệp (cụm công nghiệp Bảo Minh, Y Can và cụm công nghiệp Bảo Hưng 2) với tổng diện tích quy hoạch 210 ha.

Hoạt động thương mại ngày càng đa dạng và phát triển theo hướng sản xuất kinh doanh tổng hợp gắn với các hoạt động dịch vụ. Hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của huyện được quan tâm; đẩy mạnh kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa, giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 65,8 triệu USD, bằng 65,8% mục tiêu Nghị quyết.

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy và các đề án, chính sách của HĐND, UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có, quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện (như: Du lịch văn hóa cộng đồng, văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá, vui chơi, giải trí,...). Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 điểm du lịch, 11 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 04 homestay, 07 nhà nghỉ). Tổ chức hiệu quả các lễ hội văn hóa, du lịch thường niên; tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, liên kết phát triển du lịch. Năm 2023 dự kiến đón trên 45.000 lượt khách du lịch, trong đó 6.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 35 tỷ đồng.

Công tác quản lý tài chính, ngân sách và các hoạt động tín dụng; đầu tư công được  quan tâm nâng cao hiệu quả. Triển khai đồng bộ các giải pháp để gia tăng thu ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu bền vững; mở rộng nguồn thu, tăng cường thu tiền sử dụng đất để bổ sung nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều vượt kế hoạch được giao, năm 2022 đạt 267,5 tỷ đồng, dự ước năm 2023 đạt 346,5 tỷ đồng, tăng 1,65 lần so với năm 2020. Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách theo phương thức khoán chi, đặt hàng, giao nhiệm vụ trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, vị trí việc làm, đồng thời tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị; siết chặt kỷ luật tài chính trong chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định; triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Tổng chi ngân sách năm 2023 ước đạt 731,3 tỷ đồng, tăng 1,14 lần so với năm 2020; Tỷ lệ chi thường xuyên giảm từ 59,2% năm 2020 xuống còn 55,8% năm 2023, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển từ 16,2% lên 18,5% năm 2023. Quản lý chặt chẽ các hoạt động tín dụng trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, huyện và các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; công tác lập, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm được triển khai kịp thời, đúng quy định và công khai minh bạch. Nguồn vốn đầu tư công được bố trí đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn huyện; tập trung ưu tiên bố trí cho các dự án các hoàn thành quyết toán, công trình chuyển tiếp và các dự án quan trọng, trọng điểm; kết hợp, lồng ghép có hiệu quả các nguồn từ ngân sách nhà nước khác và huy động đóng góp của nhân dân để đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện giai đoạn 2021-2023 là 559,1 tỷ đồng (vốn NSTW 30,2 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 138,3 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 390,6 tỷ đồng), bố trí thực hiện 336 dự án (12 dự án chuyển tiếp và 324 dự án khởi công mới), đến nay đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng 251 dự án. Tiến độ triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân, chất lượng các dự án đã đáp ứng yêu cầu đề ra, không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 99,2%, năm 2022 đạt 94,5%,  năm 2023 ước đạt 100%. Các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả cao, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn thành các tiêu chí xã, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện.

Chất lượng giáo dục và đào tạo toàn huyện chuyển biến tích cực,  mô hình “Trường học hạnh phúc”, chuyển đổi số trong giáo dục được nhân rộng và xây dựng, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đảm bảo về số lượng, chuẩn về chất lượng. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã, thị trấn với 48 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, bằng 100% mục tiêu Nghị quyết, trong đó có 12/15 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, dự kiến hết năm 2023 có 23 trường đạt chuẩn mức độ 2, bằng 153,3% mục tiêu Nghị quyết; 21/21 xã, thị trấn duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 (trong đó có 20/21 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học mức độ 3). Chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục dân tộc ngày càng được nâng cao, hiện đang triển khai xây dựng 03 trường (Trường Mầm non Hoa Hồng; Trường Tiểu học Thị trấn, Trường Trung học cơ sở thị trấn Cổ Phúc) là trường trọng điểm về chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp dạy học với 100% phòng học từ bán kiên cố trở lên, trong đó phòng học kiên cố chiếm 96%. Thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở gắn với giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, đảm bảo kết thúc năm 2023 tối thiểu 24% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, 49,7% sau tốt nghiệp trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp. Triển khai xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và phong trào xã hội học tập bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả; học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và cơ quan đơn vị, địa phương trong xây dựng xã hội học tập.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; các giải pháp giảm nghèo bền vững  hiệu quả, đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, chú trọng công tác chăm sóc người cao tuổi, công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với các đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn huyện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng theo quy định hiện hành; công tác thăm, hỏi tặng quà cho các đối tượng trong các dịp Lễ, tết được triển khai thực hiện kịp thời đảm bảo đúng, đủ đối với các đối tượng chính sách. Quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”; các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh tới toàn thể các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện để tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo luôn được các cấp, các ngành của huyện quan tâm, chú trọng thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm trên địa bàn huyện đều đạt và vượt kế hoạch của tỉnh, huyện giao, phấn đấu hết năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,74%, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn lại 1,78%. Chỉ đạo rà soát nhu cầu hỗ trợ làm nhà ở của hộ nghèo khó khăn về nhà ở trong giai đoạn 2022-2025, trong giai đoạn năm 2020-2022 đã thực hiện hỗ trợ 87 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở đã được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện cho các hộ gia đình nghèo có nhà ở an toàn, ổn định cuộc sống. Trong năm 2023, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện cùng tham gia tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác giảm nghèo bền vững.

Chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được nâng cao. Công tác y tế dự phòng được quan tâm thực hiện tốt; hằng năm ban hành các Kế hoạch về phòng chống các bệnh về mắt và giải phóng mù lòa, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, kế hoạch phòng chống tác hại của thuốc lá, triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh theo mùa. Tăng cường tuyên truyền giáo dục các biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, các bệnh lý thông thường bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Tổ chức giám sát dịch chặt chẽ từ thôn, bản, tổ dân phố, không có tử vong do dịch bệnh. Tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin hằng năm đều đạt trên 99,5%. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng được thực hiện đảm bảo theo quy định. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và giám sát ngộ độc thực phẩm; kiểm tra quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính sách BHYT, góp phần hoàn thành chỉ tiêu BHYT giao hằng năm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng theo từng năm, phấn đấu năm 2023 đạt 97,5%. Duy trì 100% các Trạm Y tế xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; ổn định mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao, toàn huyện có 22 cơ sở y tế công lập, 09 cơ sở y tế tư nhân; Số bác sỹ/trên mười nghìn dân đạt 4,97; tỷ lệ xã có bác sỹ năm 2021, 2022 đạt 66,7% (14/21), năm 2023 đạt 71,4%; Số giường bệnh/mười nghìn dân năm 2021 đạt 28,9 giường, năm 2022 đạt 29,49 giường, năm 2023 đạt 30,1 giường.

Văn hóa, thể dục thể thao phát triển thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực cho phát triển xã hội, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa; thôn, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa hằng năm đều đạt theo kế hoạch giao. Năm 2023 trên địa bàn toàn huyện có trên 98% gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, dự kiến cuối năm xét công nhận 93% gia đình văn hóa, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Duy trì 20/20 xã duy trì xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn Cổ Phúc duy trì đạt chuẩn văn minh đô thị. Phong trào thể dục, thể thao trên địa bàn huyện ngày càng phát triển sâu rộng cả về số lượng và chất lượng. Việc tập luyện nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Năm 2022, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên địa bàn huyện đạt 42%, năm 2023 ước đạt 43%, bằng100% mục tiêu Nghị quyết. Giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn, phát huy,  hoạt động văn hóa, văn nghệ  bản địa được bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và quảng bá các sản phẩm du lịch; hiện nay trên địa bàn huyện có tổng số 24 di tích, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 23 di tích cấp tỉnh. Thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân; tích cực tham gia các phong trào thi đua nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân trên địa bàn; xây dựng, nhân rộng các mô hình “Trường học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc”; “Gia đình hạnh phúc”; “thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”.  Đến nay, trên địa bàn huyện có 12 đơn vị trường học được công nhận "Trường học hạnh phúc"; 153 thôn, bản tổ dân phố hạnh phúc; Thành lập được 190 câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc. Năm 2022, chỉ số hạnh phúc của người dân huyện Trấn Yên đạt 68,5%, đứng thứ 2 trong các huyện, thị xã, thành phố.

Các chính sách về dân tộc, tôn giáo được quan tâm thực hiện, vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số tham gia lao động, sản xuất nâng cao thu nhập. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện cơ bản thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tín đồ các tôn giáo đã tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách đối với người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Lồng ghép, kết hợp thực hiện các chương trình, dự án, chính sách triển khai thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho vùng cao.

Công tác quốc phòng được giữ vững, chất lượng vũ trang từng bước được nâng lên, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; xây dựng các đầu mối đơn vị dân quân tự vệ và đơn vị dự bị động viên; tổ chức huấn luyện cho các đối tượng bảo đảm nội dung, chương trình, thời gian đúng quy định. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ huyện năm 2021 đạt kết quả xuất sắc và diễn tập chiến đấu phòng thủ cho 11/21 cơ sở, diễn tập ứng phó lụt bão tìm kiếm cứu nạn cho 02/04 cơ sở, bảo đảm chặt chẽ theo đúng phương châm “Thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm”, kết quả diễn tập 100% xã, thị trấn đạt loại giỏi trở lên. 

An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; triển khai mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp, đấu tranh mạnh với các loại tội phạm, không để xảy ra tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, không để hình thành các tụ điểm phức tạp về ma túy, mại dâm, cờ bạc gây bức xúc trong nhân dân, tỷ lệ phạm pháp hình sự giảm. Công tác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện theo đúng quy định, tỷ lệ giải quyết trên 90%. Thực hiện tốt công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; tỷ lệ điều tra khám phá án chung đạt 95,4%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh, trật tự được quan tâm đẩy mạnh; Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 được triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả duy trì công tác làm sạch dữ liệu quốc gia về dân cư. Thực hiện đúng các quy định quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thường xuyên tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy, không để xảy ra cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại về người; xây dựng 06 mô hình về công tác phòng cháy, chữa cháy,  triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII,  nền kinh tế của huyện thay đổi rõ nét, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện; các sản phẩm chủ lực của huyện như măng tre Bát Độ, kén tằm, quế, chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã thực hiện các chuỗi giá trị gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh bền vững, tạo ra sản phẩm có giá trị, thương hiệu, sức cạnh tranh cao trên thị trường. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai căn cơ, bài bản, khoa học, thực chất, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới, ngày càng khang trang, hiện đại;; chỉ số hạnh phúc của người dân Trấn Yên ngày càng được nâng cao và đứng thứ 2 trong các huyện, thị, thành phố. Sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển. Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng khá, từng bước khai thác, phát huy được tiềm năng và lợi thế của huyện Kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa có bước phát triển tích cực, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên. Môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và coi trọng vai trò động lực của kinh tế tư nhân; thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; thu ngân sách ước đạt 346,5 tỷ đồng, tăng 1,65 lần so với năm 2020. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ tạo động lực cho sự phát triển. Văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả; xây dựng trường chuẩn đạt kết quả vượt bậc; bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn có nhiều đối mới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, cơ cấu lao động chuyển dịch hợp lý; công tác y tế dự phòng không ngừng được cải thiện. Xóa đói, giảm nghèo bền vững. Các chế độ chính sách đối với người có công được thực hiện kịp thời đầy đủ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; các vấn đề phát sinh được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm, không phát sinh phức tạp. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai quyết liệt, tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân./.

 

                                            Chi cục Thống kê huyện Trấn Yên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h

EMC Đã kết nối EMC