Theo thống kê, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam ước đạt 1,1% trong tổng số hơn 52 triệu lao động. Tỷ lệ này khá thấp so với các nước định hướng công nghệ như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%) hay Ấn Độ (1,78%). Trong khi đó, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật cùng quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở trong nước cũng như trên thế giới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT phát triển ngày càng nhiều về số lượng và chất lượng, vì vậy với tỷ lệ nhân lực CNTT như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng.
Thực trạng nhân lực CNTT của Việt Nam
Các chuyên gia dự báo, đến năm 2025, thế hệ lao động thuộc gen Z sẽ chiếm khoảng 30% lực lượng lao động tại Việt Nam - những người tạo ra nhiều sự thay đổi về tư duy lao động, về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, do đó sẽ thúc đẩy các mô hình làm việc kiểu mới mở rộng và phát triển. Hơn nữa, trải qua các đợt bùng phát dịch Covid-19 đã tạo nên sự bứt phá của lĩnh vực IT với hàng loạt ý tưởng, cải tiến mới. Làn sóng chuyển đổi số tại Việt Nam cũng đang diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống cũng bước vào mô hình thương mại điện tử. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài đã mang đến nhiều cơ hội cho thị trường lao động IT Việt Nam với việc thu hút các công ty IT lớn trên thế giới và trong khu vực đầu tư, nên các hoạt động tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm, dịch vụ được đẩy mạnh.
Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện cả nước có khoảng 70,8 nghìn doanh nghiệp số đăng ký hoạt động tại Việt Nam và có xấp xỉ 1,2 triệu lao động trong lĩnh vực CNTT, trong đó, có gần 400.000 kỹ sư CNTT và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp mỗi năm. Dự báo đến năm 2024, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 150.000 - 195.000 lập trình viên/kỹ sư hằng năm. Khoảng cách này dự kiến còn cao hơn sau năm 2024, khi nhu cầu lập trình viên tăng mạnh lên khoảng 800.000 người, đặc biệt là lập trình viên có kỹ năng và trình độ cao.
Nhân lực công nghệ thông tin ngày càng thiếu hụt
Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, 92% doanh nghiệp CNTT ở nước ta là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,3% (còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Song, 92% doanh nghiệp siêu nhỏ lại chỉ nắm 2,6% doanh thu toàn ngành công nghệ số, trong khi 0,3% doanh nghiệp lớn nắm đến 58,2% doanh thu toàn ngành. Điều đó cho thấy, nhu cầu lớn về nhân sự chủ yếu đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn, kéo theo những tiêu chuẩn chuyên môn, yêu cầu về kỹ năng, thái độ làm việc... Tuy nhiên, thực tế đang tồn tại sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tiêu chuẩn tốt nghiệp của sinh viên tại trường học còn vênh với tiêu chuẩn đầu vào của doanh nghiệp, dẫn đến hiện tượng chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Đáng chú ý, hiện nay chỉ có 35% trong số 57.000 sinh viên chuyên ngành IT đáp ứng được yêu cầu của DN, số còn lại phải đào tạo lại.
Hiện các nước châu Âu đã đặt mục tiêu số lượng nhân lực để chuyển đổi số đến năm 2030 là 5% dân số. Như vậy, nếu Việt Nam đặt mục tiêu nhân lực CNTT chỉ chiếm 2 - 3% dân số, thì nhân lực số cũng cần khoảng 2-3 triệu người. Trong khi đó, số sinh viên ra trường ngành công nghệ thông tin (gồm cao đẳng và đại học) ra trường hàng năm chỉ khoảng 57.000- 60.000 người.
Tìm lời giải cho bài toán nhân lực CNTT
Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Dự báo năm 2030, kinh tế số thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 7 - 16%, tương đương khoảng 28 - 62 tỷ USD.
Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện thúc đẩy nền kinh tế số, trong đó con người là một trong những yếu tố trọng tâm. Nguồn nhân lực mới với tư duy số và kỹ năng số sẽ là lực lượng chủ yếu để triển khai và hiện thực hóa, quyết định sự phát triển của nền kinh tế số.
Ở góc độ doanh nghiệp, nhu cầu tìm kiếm, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực số ngày càng cấp bách để có thể thành công chuyển đổi thành doanh nghiệp số. Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp có khối nhân sự số trưởng thành hơn sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn từ 12% đến 20% so với khối doanh nghiệp có nhân sự số kém hoàn thiện hơn. Đồng thời, với những doanh nghiệp áp dụng chiến lược nhân sự số thường đạt mức độ gắn kết của nhân viên tăng và tỷ lệ giữ chân nhân viên tăng lên hơn 20%. Những doanh nghiệp này có khả năng cải thiện nỗ lực tuyển dụng và có khả năng cải thiện quy trình quản lý tài năng của họ cao gấp hai đến ba lần.
Để tăng cường nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số tại nước ta, ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 146/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án“Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đào tạo được tối thiểu 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia; đào tạo 5.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số. Đến năm 2030, con số này tăng lên 20.000 kỹ sư.
Về nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, cần xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình “Học từ làm việc thực tế”, trong đó cơ quan nhà nước có vai trò dẫn dắt, liên kết các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp.
Xây dựng và tổ chức triển khai các nền tảng số kết nối các cơ sở giáo dục, đào tạo với các doanh nghiệp nhằm trao đổi thông tin, thúc đẩy học từ làm việc thực tế; đào tạo và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động thích ứng với thị trường lao động, kết nối cung cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, có giải pháp về cơ chế tài chính như ưu tiên kinh phí từ các chương trình học bổng để đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ chuyên trách về công nghệ số ở nước ngoài; ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực từ xã hội và các nguồn tài trợ quốc tế để đầu tư xây dựng cơ sở trọng điểm về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số.
Ngoài ra, để tăng số lượng sinh viên CNTT được đào tạo, các cơ sở đào tạo CNTT cần bảo đảm về cơ sở vật chất, tăng cường tuyển dụng giảng viên có trình độ và kinh nghiệm, như vậy mới có thể bảo đảm chất lượng sinh viên. Việc tăng cường quảng bá và thu hút sinh viên quan tâm đến ngành CNTT là điều cốt lõi để có thể tăng số lượng nhân lực.
Các trường đại học về công nghệ và kỹ thuật cũng cần thường xuyên hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với thực tế thông qua quá trình thực tập và có cơ hội tìm kiếm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, cũng như để chuẩn hóa những kỹ năng cần thiết cho sinh viên. Khi đó, chuẩn đầu ra của trường học sẽ được thống nhất với chuẩn đầu vào của doanh nghiệp, điều này sẽ bảo đảm nguồn cung ứng nhân lực theo đúng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng nghề và hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đào tạo, giảng viên hướng dẫn, nghiên cứu, thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với thực tế. Về phần các trường cũng phải thay đổi chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học, nâng cao trình độ giảng viên để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các trường cần tích cực đào tạo tiếng Anh và các kỹ năng mềm, khuyến khích nghiên cứu khoa học giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có thể giải quyết các vấn đề thực tế.
Thực tế cho thấy, hiện có một lượng đáng kể nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam đã đi nước ngoài làm việc sau khi tốt nghiệp, do đó nhà nước, doanh nghiệp cần phải nỗ lực thực hiện chính sách, cơ chế để giữ chân được nguồn nhân lực này và thu hút các sinh viên CNTT ở nước ngoài trở lại làm việc tại Việt Nam.
Ngoài chủ trương chung của Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực CNTT, các chuyên gia còn cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ đặc biệt để phát triển nguồn nhân lực là nữ giới trong lĩnh vực CNTT, các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cần có thêm những chính sách động viên, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho nữ giới tham gia làm việc trong lĩnh vực này. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nữ giới hiện chỉ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cần có thêm những chính sách động viên, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho nữ giới tham gia làm việc trong lĩnh vực CNTT và có thể nắm giữ các vị trí tương đương nam giới./.
Theo: Đặng Thị Loan
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong - Hà Nội
Theo thống kê, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam ước đạt 1,1% trong tổng số hơn 52 triệu lao động. Tỷ lệ này khá thấp so với các nước định hướng công nghệ như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%) hay Ấn Độ (1,78%). Trong khi đó, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật cùng quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở trong nước cũng như trên thế giới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT phát triển ngày càng nhiều về số lượng và chất lượng, vì vậy với tỷ lệ nhân lực CNTT như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng.
Thực trạng nhân lực CNTT của Việt Nam
Các chuyên gia dự báo, đến năm 2025, thế hệ lao động thuộc gen Z sẽ chiếm khoảng 30% lực lượng lao động tại Việt Nam - những người tạo ra nhiều sự thay đổi về tư duy lao động, về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, do đó sẽ thúc đẩy các mô hình làm việc kiểu mới mở rộng và phát triển. Hơn nữa, trải qua các đợt bùng phát dịch Covid-19 đã tạo nên sự bứt phá của lĩnh vực IT với hàng loạt ý tưởng, cải tiến mới. Làn sóng chuyển đổi số tại Việt Nam cũng đang diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống cũng bước vào mô hình thương mại điện tử. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài đã mang đến nhiều cơ hội cho thị trường lao động IT Việt Nam với việc thu hút các công ty IT lớn trên thế giới và trong khu vực đầu tư, nên các hoạt động tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm, dịch vụ được đẩy mạnh.
Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện cả nước có khoảng 70,8 nghìn doanh nghiệp số đăng ký hoạt động tại Việt Nam và có xấp xỉ 1,2 triệu lao động trong lĩnh vực CNTT, trong đó, có gần 400.000 kỹ sư CNTT và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp mỗi năm. Dự báo đến năm 2024, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 150.000 - 195.000 lập trình viên/kỹ sư hằng năm. Khoảng cách này dự kiến còn cao hơn sau năm 2024, khi nhu cầu lập trình viên tăng mạnh lên khoảng 800.000 người, đặc biệt là lập trình viên có kỹ năng và trình độ cao.
Nhân lực công nghệ thông tin ngày càng thiếu hụt
Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, 92% doanh nghiệp CNTT ở nước ta là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,3% (còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Song, 92% doanh nghiệp siêu nhỏ lại chỉ nắm 2,6% doanh thu toàn ngành công nghệ số, trong khi 0,3% doanh nghiệp lớn nắm đến 58,2% doanh thu toàn ngành. Điều đó cho thấy, nhu cầu lớn về nhân sự chủ yếu đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn, kéo theo những tiêu chuẩn chuyên môn, yêu cầu về kỹ năng, thái độ làm việc... Tuy nhiên, thực tế đang tồn tại sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tiêu chuẩn tốt nghiệp của sinh viên tại trường học còn vênh với tiêu chuẩn đầu vào của doanh nghiệp, dẫn đến hiện tượng chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Đáng chú ý, hiện nay chỉ có 35% trong số 57.000 sinh viên chuyên ngành IT đáp ứng được yêu cầu của DN, số còn lại phải đào tạo lại.
Hiện các nước châu Âu đã đặt mục tiêu số lượng nhân lực để chuyển đổi số đến năm 2030 là 5% dân số. Như vậy, nếu Việt Nam đặt mục tiêu nhân lực CNTT chỉ chiếm 2 - 3% dân số, thì nhân lực số cũng cần khoảng 2-3 triệu người. Trong khi đó, số sinh viên ra trường ngành công nghệ thông tin (gồm cao đẳng và đại học) ra trường hàng năm chỉ khoảng 57.000- 60.000 người.
Tìm lời giải cho bài toán nhân lực CNTT
Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Dự báo năm 2030, kinh tế số thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 7 - 16%, tương đương khoảng 28 - 62 tỷ USD.
Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện thúc đẩy nền kinh tế số, trong đó con người là một trong những yếu tố trọng tâm. Nguồn nhân lực mới với tư duy số và kỹ năng số sẽ là lực lượng chủ yếu để triển khai và hiện thực hóa, quyết định sự phát triển của nền kinh tế số.
Ở góc độ doanh nghiệp, nhu cầu tìm kiếm, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực số ngày càng cấp bách để có thể thành công chuyển đổi thành doanh nghiệp số. Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp có khối nhân sự số trưởng thành hơn sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn từ 12% đến 20% so với khối doanh nghiệp có nhân sự số kém hoàn thiện hơn. Đồng thời, với những doanh nghiệp áp dụng chiến lược nhân sự số thường đạt mức độ gắn kết của nhân viên tăng và tỷ lệ giữ chân nhân viên tăng lên hơn 20%. Những doanh nghiệp này có khả năng cải thiện nỗ lực tuyển dụng và có khả năng cải thiện quy trình quản lý tài năng của họ cao gấp hai đến ba lần.
Để tăng cường nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số tại nước ta, ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 146/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án“Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đào tạo được tối thiểu 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia; đào tạo 5.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số. Đến năm 2030, con số này tăng lên 20.000 kỹ sư.
Về nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, cần xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình “Học từ làm việc thực tế”, trong đó cơ quan nhà nước có vai trò dẫn dắt, liên kết các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp.
Xây dựng và tổ chức triển khai các nền tảng số kết nối các cơ sở giáo dục, đào tạo với các doanh nghiệp nhằm trao đổi thông tin, thúc đẩy học từ làm việc thực tế; đào tạo và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động thích ứng với thị trường lao động, kết nối cung cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, có giải pháp về cơ chế tài chính như ưu tiên kinh phí từ các chương trình học bổng để đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ chuyên trách về công nghệ số ở nước ngoài; ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực từ xã hội và các nguồn tài trợ quốc tế để đầu tư xây dựng cơ sở trọng điểm về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số.
Ngoài ra, để tăng số lượng sinh viên CNTT được đào tạo, các cơ sở đào tạo CNTT cần bảo đảm về cơ sở vật chất, tăng cường tuyển dụng giảng viên có trình độ và kinh nghiệm, như vậy mới có thể bảo đảm chất lượng sinh viên. Việc tăng cường quảng bá và thu hút sinh viên quan tâm đến ngành CNTT là điều cốt lõi để có thể tăng số lượng nhân lực.
Các trường đại học về công nghệ và kỹ thuật cũng cần thường xuyên hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với thực tế thông qua quá trình thực tập và có cơ hội tìm kiếm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, cũng như để chuẩn hóa những kỹ năng cần thiết cho sinh viên. Khi đó, chuẩn đầu ra của trường học sẽ được thống nhất với chuẩn đầu vào của doanh nghiệp, điều này sẽ bảo đảm nguồn cung ứng nhân lực theo đúng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng nghề và hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đào tạo, giảng viên hướng dẫn, nghiên cứu, thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với thực tế. Về phần các trường cũng phải thay đổi chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học, nâng cao trình độ giảng viên để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các trường cần tích cực đào tạo tiếng Anh và các kỹ năng mềm, khuyến khích nghiên cứu khoa học giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có thể giải quyết các vấn đề thực tế.
Thực tế cho thấy, hiện có một lượng đáng kể nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam đã đi nước ngoài làm việc sau khi tốt nghiệp, do đó nhà nước, doanh nghiệp cần phải nỗ lực thực hiện chính sách, cơ chế để giữ chân được nguồn nhân lực này và thu hút các sinh viên CNTT ở nước ngoài trở lại làm việc tại Việt Nam.
Ngoài chủ trương chung của Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực CNTT, các chuyên gia còn cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ đặc biệt để phát triển nguồn nhân lực là nữ giới trong lĩnh vực CNTT, các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cần có thêm những chính sách động viên, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho nữ giới tham gia làm việc trong lĩnh vực này. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nữ giới hiện chỉ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cần có thêm những chính sách động viên, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho nữ giới tham gia làm việc trong lĩnh vực CNTT và có thể nắm giữ các vị trí tương đương nam giới./.
Theo: Đặng Thị Loan
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong - Hà Nội