Theo quy định của pháp luật thống kê hiện hành, Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm được công bố, phổ biến vào ngày 29 của tháng báo cáo, riêng tháng Hai là ngày cuối tháng. Việc công bố, phổ biến thông tin sớm về tình hình kinh tế - xã hội nhằm kịp thời phục vụ các cơ quan Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp trong quản lý điều hành. Tuy nhiên với việc thống kê “sớm” thông tin về tình hình kinh tế - xã hội chưa phản ánh đúng bản chất số liệu đầy đủ của 01 tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm. Trong phạm vi bài viết sẽ tập trung phân tích thực trạng của việc công bố, phổ biến tình hình kinh tế - xã hội; từ đó đề xuất thay đổi thời gian công bố, phổ biến phù hợp và một số giải pháp để triển khai.
Thực trạng việc công bố, phổ biến tình hình kinh tế - xã hội hiện nay
Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê (sau đây viết gọn là Nghị định số 94/2016/NĐ-CP) quy định thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm là ngày 29 của tháng báo cáo, riêng tháng Hai là ngày cuối tháng. Thực hiện quy định này công tác công bố, phổ biến thông tin thống kê đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong nhiều năm trước đây, đó là: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin thống kê đã tiếp cận được nguồn thông tin để khai thác, sử dụng; khối lượng lớn thông tin thống kê được phổ biến kịp thời, minh bạch; sản phẩm thông tin thống kê đa dạng hơn; thông tin thống kê do Hệ thống tổ chức thống kê tập trung, thống kê Bộ, ngành và các cơ quan Nhà nước khác thu thập, tổng hợp, phổ biến đã trở thành nguồn thông tin thống kê chủ yếu được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thống nhất sử dụng. Bên cạnh đó, việc phổ biến thông tin sớm, đúng thời gian quy định về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước cũng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin thống kê của các cơ quan Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp trong quản lý điều hành.
Tuy nhiên, để kịp thời công bố, phổ biến số liệu vào ngày 29 hằng tháng, riêng tháng Hai là ngày cuối tháng thì khâu thu thập, tổng hợp, biên soạn thông tin thống kê phải được thực hiện sớm, để có đủ thời gian tổng hợp, kiểm tra, xác minh thông tin từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp trung ương. Trong quá trình thực hiện quy định này có một số hạn chế, bất cập sau:
Một là, thông tin thu thập không phản ánh đầy đủ, đúng thực tế hoạt động của các đơn vị theo tháng hành chính, không phản ánh đúng thuật ngữ số liệu trong tháng, trong quý; số liệu có sự gối đầu từ tháng trước sang tháng sau, quý trước sang quý sau…Việc thu thập thông tin sớm nên các số liệu chủ yếu là ước tính, dẫn đến kết quả thường không bảo đảm độ chính xác, không phản ánh đúng thực tế hoạt động của đơn vị cung cấp thông tin, cụ thể như sau:
- Thông tin, số liệu điều tra khối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể thu thập từ các đơn vị điều tra phải được thực hiện sớm (từ ngày 1 đến ngày 12 hàng tháng), do vậy, các đơn vị điều tra phải ước tính số liệu của ít nhất 2/3 thời gian của tháng báo cáo.
- Thông tin, số liệu lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản liên quan báo cáo tiến độ sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản hằng tháng phải ước sớm hơn so với kỳ sản xuất 1/2 tháng; đối với báo cáo 6 tháng, hầu hết các chỉ tiêu đều phải ước tính dựa trên kết quả điều tra của năm trước.
- Thông tin, số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa phải ước tính một số ngày trong tháng…
- Thông tin, số liệu ước tính thu, chi ngân sách phục vụ biên soạn GDP, GRDP, Bộ Tài chính gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) vào ngày 15 tháng cuối quý, do đó vẫn phải ước tính khoảng 15 ngày cho quý…
Hai là, thông tin, số liệu đầu vào để biên soạn, ước tính chỉ tiêu quan trọng trong Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm như chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chưa đầy đủ, thông tin số liệu theo tháng, đặc biệt là những số liệu liên quan đến thu, chi ngân sách; xuất, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ…
Ba là, với quy định công bố sớm vào ngày 29 hằng tháng dẫn đến xung đột, không thống nhất về số liệu, thông tin công bố, phổ biến đối với một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp do Tổng cục Thống kê công bố và do Bộ, ngành có liên quan công bố, do thời điểm công bố, thời kỳ số liệu khác nhau. Chẳng hạn như thông tin, số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) vẫn phải ước tính một số ngày trong tháng, dẫn đến có sự chênh lệch số liệu khi Tổng cục Hải quan công bố số chính thức (thời điểm công bố sau thời gian công bố số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)…
Bốn là, đối với thông tin, dữ liệu hành chính tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh: Báo cáo của các cơ quan thường gửi muộn so với thời gian theo yêu cầu của cơ quan thống kê. Ngoài ra, báo cáo của một số tháng phải cập nhật lại số liệu sát thời điểm công bố số liệu do ước tính của các đơn vị tại thời điểm gửi báo cáo cho cơ quan thống kê chưa sát với thực tế. Trong khi đó, thời gian kiểm tra, rà soát, tính toán, tổng hợp và biên soạn báo cáo, các chỉ tiêu tổng hợp ngắn, gấp; thời gian thu thập thông tin tại địa bàn ngắn và có nhiều cuộc điều tra cùng diễn ra nên tạo áp lực lớn đối với cơ quan Thống kê.
Đề xuất thay đổi thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội
Nhằm cung cấp thông tin thống kê đầy đủ trọn kỳ báo cáo và đảm bảo phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ, UBND các cấp thì cần thay đổi thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng Hai là ngày cuối tháng)” thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” , vì các lý do cụ thể sau:
Thứ nhất, việc quy định thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm là “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” là cơ sở bảo đảm cho việc thu thập, biên soạn thông tin thống kê phản ánh chính xác, đầy đủ, đúng bản chất của một kỳ báo cáo, đặc biệt là kỳ báo cáo tháng. Những thông tin thống kê này phục vụ chính xác, kịp thời các cơ quan Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp trong quản lý, điều hành.
Thứ hai, thông tin, số liệu thu thập từ đối tượng cung cấp thông tin phản ánh đầy đủ diễn biến sản xuất kinh doanh trong tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm góp phần tăng tính chính xác của số liệu, phản ánh sát hơn tình hình thực tế…
Thứ ba, nguồn thông tin phục vụ biên soạn một số chỉ tiêu tổng hợp như GDP, GRDP được cập nhật, đầy đủ hơn; có đủ thời gian để kiểm tra, tổng hợp dữ liệu, biên soạn các báo cáo chuyên ngành giúp nâng cao chất lượng báo cáo; số liệu tổng hợp có độ tin cậy cao hơn, phản ánh sát hơn với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội cả nước.
Thứ tư, thống nhất thông tin, số liệu trong công bố, phổ biến một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và bộ, ngành biên soạn, công bố, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến thu, chi ngân sách, xuất nhập khẩu hàng hoá…
Ngoài ra, theo thực tiễn thống kê thế giới cho thấy các chỉ tiêu như GDP, CPI trong các báo cáo kinh tế - xã hội thường được công bố, phổ biến sau khoảng 1-2 tháng so với kỳ báo cáo. Theo đó, đối với chỉ tiêu GDP, phần lớn các quốc gia công bố, phổ biến số liệu GDP sau 2 tháng của quý báo cáo; một số quốc gia công bố, phổ biến sau 3 tháng của quý báo cáo (Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a); chỉ số ít quốc gia công bố, phổ biến ngay tháng sau của quý báo cáo (Trung Quốc). Đối với chỉ tiêu CPI, đa số các quốc gia công bố vào tháng sau của tháng báo cáo.
Giải pháp để triển khai thực hiện
Để thay đổi thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng Hai là ngày cuối tháng)” thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” cần phải thực hiện một số nội dung sau:
- Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; tập trung vào các văn bản quy phạp pháp luật sau: (i) Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thống kê; (ii) Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (iii) Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia (đang trình Chính phủ); (iv) Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia; (v) Các Thông tư ban hành chế độ báo cáo thống kê áp dụng cho tất các các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành.
- Đánh giá tác động của việc thay đổi thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng Hai là ngày cuối tháng)” thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo”. Thông qua quá trình này sẽ xác định được các nguyên nhân, tác động tích cực, tác động tiêu cực, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội của chính sách được lựa chọn…
Để có cơ sở pháp lý thực hiện nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cần kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định việc sửa đổi, bổ sung nội dung này tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ theo hướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng Hai là ngày cuối tháng)” thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” theo hướng một Nghị định sửa nhiều Nghị định và theo trình tự thủ tục rút gọn./.
Nguyễn Đình Khuyến
Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê - TCTK
Theo quy định của pháp luật thống kê hiện hành, Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm được công bố, phổ biến vào ngày 29 của tháng báo cáo, riêng tháng Hai là ngày cuối tháng. Việc công bố, phổ biến thông tin sớm về tình hình kinh tế - xã hội nhằm kịp thời phục vụ các cơ quan Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp trong quản lý điều hành. Tuy nhiên với việc thống kê “sớm” thông tin về tình hình kinh tế - xã hội chưa phản ánh đúng bản chất số liệu đầy đủ của 01 tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm. Trong phạm vi bài viết sẽ tập trung phân tích thực trạng của việc công bố, phổ biến tình hình kinh tế - xã hội; từ đó đề xuất thay đổi thời gian công bố, phổ biến phù hợp và một số giải pháp để triển khai.
Thực trạng việc công bố, phổ biến tình hình kinh tế - xã hội hiện nay
Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê (sau đây viết gọn là Nghị định số 94/2016/NĐ-CP) quy định thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm là ngày 29 của tháng báo cáo, riêng tháng Hai là ngày cuối tháng. Thực hiện quy định này công tác công bố, phổ biến thông tin thống kê đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong nhiều năm trước đây, đó là: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin thống kê đã tiếp cận được nguồn thông tin để khai thác, sử dụng; khối lượng lớn thông tin thống kê được phổ biến kịp thời, minh bạch; sản phẩm thông tin thống kê đa dạng hơn; thông tin thống kê do Hệ thống tổ chức thống kê tập trung, thống kê Bộ, ngành và các cơ quan Nhà nước khác thu thập, tổng hợp, phổ biến đã trở thành nguồn thông tin thống kê chủ yếu được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thống nhất sử dụng. Bên cạnh đó, việc phổ biến thông tin sớm, đúng thời gian quy định về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước cũng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin thống kê của các cơ quan Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp trong quản lý điều hành.
Tuy nhiên, để kịp thời công bố, phổ biến số liệu vào ngày 29 hằng tháng, riêng tháng Hai là ngày cuối tháng thì khâu thu thập, tổng hợp, biên soạn thông tin thống kê phải được thực hiện sớm, để có đủ thời gian tổng hợp, kiểm tra, xác minh thông tin từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp trung ương. Trong quá trình thực hiện quy định này có một số hạn chế, bất cập sau:
Một là, thông tin thu thập không phản ánh đầy đủ, đúng thực tế hoạt động của các đơn vị theo tháng hành chính, không phản ánh đúng thuật ngữ số liệu trong tháng, trong quý; số liệu có sự gối đầu từ tháng trước sang tháng sau, quý trước sang quý sau…Việc thu thập thông tin sớm nên các số liệu chủ yếu là ước tính, dẫn đến kết quả thường không bảo đảm độ chính xác, không phản ánh đúng thực tế hoạt động của đơn vị cung cấp thông tin, cụ thể như sau:
- Thông tin, số liệu điều tra khối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể thu thập từ các đơn vị điều tra phải được thực hiện sớm (từ ngày 1 đến ngày 12 hàng tháng), do vậy, các đơn vị điều tra phải ước tính số liệu của ít nhất 2/3 thời gian của tháng báo cáo.
- Thông tin, số liệu lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản liên quan báo cáo tiến độ sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản hằng tháng phải ước sớm hơn so với kỳ sản xuất 1/2 tháng; đối với báo cáo 6 tháng, hầu hết các chỉ tiêu đều phải ước tính dựa trên kết quả điều tra của năm trước.
- Thông tin, số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa phải ước tính một số ngày trong tháng…
- Thông tin, số liệu ước tính thu, chi ngân sách phục vụ biên soạn GDP, GRDP, Bộ Tài chính gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) vào ngày 15 tháng cuối quý, do đó vẫn phải ước tính khoảng 15 ngày cho quý…
Hai là, thông tin, số liệu đầu vào để biên soạn, ước tính chỉ tiêu quan trọng trong Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm như chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chưa đầy đủ, thông tin số liệu theo tháng, đặc biệt là những số liệu liên quan đến thu, chi ngân sách; xuất, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ…
Ba là, với quy định công bố sớm vào ngày 29 hằng tháng dẫn đến xung đột, không thống nhất về số liệu, thông tin công bố, phổ biến đối với một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp do Tổng cục Thống kê công bố và do Bộ, ngành có liên quan công bố, do thời điểm công bố, thời kỳ số liệu khác nhau. Chẳng hạn như thông tin, số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) vẫn phải ước tính một số ngày trong tháng, dẫn đến có sự chênh lệch số liệu khi Tổng cục Hải quan công bố số chính thức (thời điểm công bố sau thời gian công bố số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)…
Bốn là, đối với thông tin, dữ liệu hành chính tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh: Báo cáo của các cơ quan thường gửi muộn so với thời gian theo yêu cầu của cơ quan thống kê. Ngoài ra, báo cáo của một số tháng phải cập nhật lại số liệu sát thời điểm công bố số liệu do ước tính của các đơn vị tại thời điểm gửi báo cáo cho cơ quan thống kê chưa sát với thực tế. Trong khi đó, thời gian kiểm tra, rà soát, tính toán, tổng hợp và biên soạn báo cáo, các chỉ tiêu tổng hợp ngắn, gấp; thời gian thu thập thông tin tại địa bàn ngắn và có nhiều cuộc điều tra cùng diễn ra nên tạo áp lực lớn đối với cơ quan Thống kê.
Đề xuất thay đổi thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội
Nhằm cung cấp thông tin thống kê đầy đủ trọn kỳ báo cáo và đảm bảo phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ, UBND các cấp thì cần thay đổi thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng Hai là ngày cuối tháng)” thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” , vì các lý do cụ thể sau:
Thứ nhất, việc quy định thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm là “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” là cơ sở bảo đảm cho việc thu thập, biên soạn thông tin thống kê phản ánh chính xác, đầy đủ, đúng bản chất của một kỳ báo cáo, đặc biệt là kỳ báo cáo tháng. Những thông tin thống kê này phục vụ chính xác, kịp thời các cơ quan Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp trong quản lý, điều hành.
Thứ hai, thông tin, số liệu thu thập từ đối tượng cung cấp thông tin phản ánh đầy đủ diễn biến sản xuất kinh doanh trong tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm góp phần tăng tính chính xác của số liệu, phản ánh sát hơn tình hình thực tế…
Thứ ba, nguồn thông tin phục vụ biên soạn một số chỉ tiêu tổng hợp như GDP, GRDP được cập nhật, đầy đủ hơn; có đủ thời gian để kiểm tra, tổng hợp dữ liệu, biên soạn các báo cáo chuyên ngành giúp nâng cao chất lượng báo cáo; số liệu tổng hợp có độ tin cậy cao hơn, phản ánh sát hơn với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội cả nước.
Thứ tư, thống nhất thông tin, số liệu trong công bố, phổ biến một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và bộ, ngành biên soạn, công bố, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến thu, chi ngân sách, xuất nhập khẩu hàng hoá…
Ngoài ra, theo thực tiễn thống kê thế giới cho thấy các chỉ tiêu như GDP, CPI trong các báo cáo kinh tế - xã hội thường được công bố, phổ biến sau khoảng 1-2 tháng so với kỳ báo cáo. Theo đó, đối với chỉ tiêu GDP, phần lớn các quốc gia công bố, phổ biến số liệu GDP sau 2 tháng của quý báo cáo; một số quốc gia công bố, phổ biến sau 3 tháng của quý báo cáo (Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a); chỉ số ít quốc gia công bố, phổ biến ngay tháng sau của quý báo cáo (Trung Quốc). Đối với chỉ tiêu CPI, đa số các quốc gia công bố vào tháng sau của tháng báo cáo.
Giải pháp để triển khai thực hiện
Để thay đổi thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng Hai là ngày cuối tháng)” thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” cần phải thực hiện một số nội dung sau:
- Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; tập trung vào các văn bản quy phạp pháp luật sau: (i) Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thống kê; (ii) Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (iii) Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia (đang trình Chính phủ); (iv) Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia; (v) Các Thông tư ban hành chế độ báo cáo thống kê áp dụng cho tất các các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành.
- Đánh giá tác động của việc thay đổi thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng Hai là ngày cuối tháng)” thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo”. Thông qua quá trình này sẽ xác định được các nguyên nhân, tác động tích cực, tác động tiêu cực, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội của chính sách được lựa chọn…
Để có cơ sở pháp lý thực hiện nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cần kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định việc sửa đổi, bổ sung nội dung này tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ theo hướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng và năm từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng Hai là ngày cuối tháng)” thành “ngày 06 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo” theo hướng một Nghị định sửa nhiều Nghị định và theo trình tự thủ tục rút gọn./.
Nguyễn Đình Khuyến
Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê - TCTK