Thông tin kinh tế, xã hội Yên Bái >> Lâm nghiệp

Quế Văn Yên và những thách thức trong giai đoạn hiện nay.

09/12/2020 09:33:08 Xem cỡ chữ Google
Trong những năm qua, thương hiệu quế Văn Yên đang ngày càng có uy tín trên thị trường, các ngành thu mua, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ quế đã có sự phát triển đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy chỉ số công nghiệp của huyện Văn Yên tăng trưởng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay Quế Văn Yên cũng đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

        Với diện tích tự nhiên lớn, thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, huyện Văn Yên đã hình thành vùng chuyên canh quế nguyên liệu lớn nhất cả nước. Quế Văn Yên được trồng ở 25/25 xã, thị trấn của huyện. Đến hết năm 2019, tổng diện tích Quế tập trung trên địa bàn huyện Văn Yên là hơn 40.000 ha, đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã nằm ở hữu ngạn sông Hồng (xã Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng).

          Hiện nay, mỗi năm, huyện Văn Yên xuất ra thị trường hàng nghìn tấn vỏ quế khô; tinh dầu quế khoảng 150 tấn và hàng chục nghìn mét khối gỗ quế. Cây quế ở Văn Yên đã không chỉ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo mà còn đang giúp họ vươn lên làm giàu, là “biểu tượng” kinh tế của cộng đồng người Dao nói riêng và người dân huyện Văn Yên nói chung.

          Ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ Quế của huyện Văn Yên đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh, tuy nhiên những thách thức cũng không hề nhỏ. Năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua, sản xuất chế biến các sản phẩm từ quế, sản xuất bị đình trệ, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường gặp khó khăn, giá cả không ổn định. Mùa quế năm 2020 sắp kết thúc, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến cần có những biện pháp chủ động như cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã, quản trị tốt doanh nghiệp để đón đầu cơ hội phát triển trong năm 2021.

          Vấn đề lớn nhất đặt ra đối với ngành là nguyên liệu. Hiện nay, nguồn cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở  chế biến quế tại Văn Yên phần lớn là từ nguyên liệu tại chỗ của địa phương. Quế được thu hoạch theo mùa vụ, thu hoạch diễn ra 2 lần trong năm, chính vì vậy các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến kinh doanh quế luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Một số vùng trồng quế khác cũng đã cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản sản xuất, tuy nhiên do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau nên chất lượng quế tại các khu vực khác không cao. Một số thị trường nhập khẩu sản phẩm quế, nhất là các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu luôn yêu cầu khắt khe về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Như vậy thách thức đầu tiên đặt ra bài toán về nguyên liệu sản xuất phải đảm bảo chất lượng.

         Nguồn lao động không ổn định và thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề cao cũng là vấn đề nan giải. Các đơn hàng thực hiện theo mùa và không đồng nhất giữa các tháng nên việc giữ chân lao động là rất khó. Tháng cao điểm, doanh nghiệp luôn đối mặt với tình trạng căng thẳng về lao động. Do đó, cần có các chính sách quan tâm đến người lao động để khi doanh nghiệp cần là có đủ nguồn lao động phục vụ sản xuất.

          Về vốn, hiện nay nguồn vốn kinh doanh của các cơ sở chế biến kinh doanh quế phần lớn là vốn vay, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Sản xuất phụ thuộc rất lớn vào lãi suất ngân hàng, không chủ động được nguồn tài chính của doanh nghiệp. Do thiếu nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, hiện nay quy mô của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện là vừa và nhỏ nên giá trị sản xuất trong khu vực doanh nghiệp chiếm tỷ lệ thấp.

          Một vấn đề nữa cần quan tâm, đó là tuy thị trường tiêu thụ vỏ quế của Văn Yên hiện khá ổn định, song Quế Văn Yên vẫn chưa trực tiếp xuất khẩu được mà vẫn phải thông qua một số doanh nghiệp tại Hà Nội và Bắc Ninh. Như vậy, xuất khẩu trực tiếp là một khâu quan trọng có thể nâng cao thêm thu nhập  cho người trồng quế.

          Trước những thực trạng thách thức đang diễn ra cần có những giải pháp thực tiễn được thực hiện để Quế Văn Yên duy trì và vươn tầm thương hiệu như: Tỉnh cần có chính sách phát triển nguồn nguyên liệu. Duy trì ổn định diện tích Quế của địa phương, đặc biệt là vùng trồng Quế tập trung tại các xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý của Quế Văn Yên. Bên cạnh đó cần liên kết các khâu trong sản xuất, từ nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo thành một chuỗi chặt chẽ. Nhập nguyên liệu sản xuất từ các vùng nguyên liệu uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng cho các thị trường xuất khẩu khó tính hiện nay. Đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng xuất lao động. Sử dụng nguyên liệu hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ quế, đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Liên kết với các ngành thủ công mỹ nghệ để đa dạng hóa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế, gỗ quế. Đẩy mạnh phát triển thị trường, ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới dễ tính. Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tuyên truyền, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến huyện Văn Yên đầu tư chế biến sâu sản phẩm Quế Văn Yên. Làm tốt công tác bảo tồn Quế Văn Yên, gắn việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống, độc đáo của đồng bào dân tộc huyện Văn Yên với cây Quế. Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm với các sản phẩm Quế Văn Yên. Tiếp tục tập trung phát triển cây Quế, bảo tồn nguồn giống Quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, bảo tồn 90 cây Quế và 14,5 ha Quế tập trung ở các xã để làm nguồn giống cung ứng cho công tác trồng Quế hàng năm trên địa bàn. Phát triển thương hiệu Quế Văn Yên bền vững là hướng đi quan trọng trong giai đoạn tiếp theo.

 

Một số hình ảnh về Quế Văn Yên

 

 

Trần Thị Hạnh

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h