Tin Hoạt động >> Thống kê

Kết quả khảo sát (lần 2) đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

02/10/2020 02:26:22 Xem cỡ chữ Google

Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Quyết định số 1369/QĐ-BKHĐT ngày 07/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tổ chức điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phương án điều tra ban hành theo Quyết định số 1383/QĐ-TCTK ngày 09/9/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Cục Thống kê tỉnh Yên Bái đã tổ chức, triển khai cuộc khảo sát nhanh nhằm thu thập thông tin về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động SXKD cũng như đánh giá hiệu quả của các chính sách, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương đã ban hành đối với hoạt động SXKD của doanh nghiệp trong thời gian qua; cung cấp thông tin giúp Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển SXKD; thu thập thông tin về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để xây dựng Báo cáo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 10/9/2020 đến ngày 20/9/2020 bằng hình thức trực tuyến, sử dụng bảng hỏi điện tử (Webform) trên hệ thống Điều tra doanh nghiệp năm 2020 của Tổng cục Thống kê.

Qua khảo sát cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát 592 doanh nghiệp đang hoạt động hoặc tạm ngừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái thì có tới 77,36% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và lớn có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 cao; nhóm doanh nghiệp vừa là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động ít nhất với 52,38%.

 

Tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực phân theo quy mô doanh nghiệp (%)

 

Theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI là đối tượng đang chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhiều nhất, với 100%; tỷ lệ này đối với nhóm doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 77,47% và doanh nghiệp Nhà nước là 50%.

 

Tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực phân theo loại hình doanh nghiệp (%)

 

Theo khu vực kinh tế, dịch Covid -19 tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 53,33%, công nghiệp - xây dựng 76,19%, dịch vụ 79,61%. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao lên tới 100% như: Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải, lưu trú, ăn uống, du lịch, giáo dục, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, dịch vụ khác, ...

 

Tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực phân theo khu vực kinh tế (%)

 

Do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ lao động bình quân 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ đạt 92,78%; ước tính tỷ lệ lao động bình quân năm 2020 so với cùng kỳ đạt 92,73%; tỷ lệ lao động tạm nghỉ việc không lương trên tổng số lao động hiện có là 0,57%; tỷ lệ lao động giãn việc/nghỉ luân phiên trên tổng số lao động hiện có là 1,72%; tỷ lệ lao động bị giảm lương trên tổng số lao động hiện có là 2,14%. Tỷ lệ doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 so cùng kỳ 2019 đạt  91,41%; ước tính tỷ lệ doanh thu năm 2020 so với năm 2019 trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt đạt 96,47% và trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp đạt 84,93%.

Doanh nghiệp phải đối mặt với các khó khăn chủ yếu do tác động của dịch Covid-19 như: Thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào 29,03%;, trong đó, thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ trong nước là 26,58%; thiếu hụt nguyên liệu hàng hóa đầu vào từ nhập khẩu là 12,12%. Nguyên nhân thiếu hụt nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào: (1) Ở trong nước, số lượng DN cung cấp nguyên liệu, hàng hóa đầu vào giảm là 50%; giá nguyên liệu hàng hóa đầu vào trong nước tăng 50%; chi phí vận chuyển, lưu kho tăng 40,16%; chất lượng nguyên liệu, hàng hóa đầu vào đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của DN giảm là 29,51% và một số nguyên nhân khác là 5,74%. (2) Từ nhập khẩu, số lượng DN cung cấp nguyên liệu, hàng hóa đầu vào giảm 30%; giá nguyên liệu hàng hóa đầu vào từ nhập khẩu tăng 35%; chi phí vận chuyển, lưu kho tăng 40%; chất lượng nguyên liệu, hàng hóa đầu vào đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của DN giảm 10%; khó khăn trong lưu thông nguyên liệu, hàng hóa do thị trường nhập khẩu áp dụng biện pháp phong tỏa, đóng cửa là 55%.

Thị trường tiêu thụ thu hẹp là 46,84%, trong đó, thị trường tiêu thụ trong nước thu hẹp là 48,3%; thị trường tiêu thụ xuất khẩu thu hẹp là 48,05%. Nguyên nhân thị trường xuất khẩu bị thu hẹp: Sụt giảm đơn hàng xuất khẩu là 54,05%; khó khăn trong lưu thông hàng hóa do một số thị trường xuất khẩu đang áp dụng biện pháp phong tỏa/đóng cửa biên giới là 78,38%; Chi phí vận chuyển, lưu kho tăng là 35,14%; nguyên nhân khác là 207%.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vay vốn lên tới 68,41%. Trong đó, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tỷ lệ cao nhất (71,43%). Nguyên nhân: Do quy trình, thủ tục vay vốn phức tạp là 68,15%; không có tài sản thế chấp là 45,86%; do doanh nghiệp có nhiều dư nợ là 46,82%; khó khăn khác 59,87%.

Doanh nghiệp đã và đang áp dụng các giải pháp nhằm ứng phó với tác động của dịch Covid -19 như: Đẩy mạnh thương mại điện tử là 9,46%; chuyển đổi sản phẩm/dịch vụ chủ lực là 7,94%; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động là 15,88%; tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào là 16,72%; tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống là 34,8%; sản xuất/cung cấp mặt hàng/dịch vụ mới theo nhu cầu của thị trường trong giai đoạn dịch bệnh là 15,54%; Giải pháp khác là 9,8%. Doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng hoặc tăng cường sử dụng Internet, mạng xã hội trực tuyến, các ứng dụng (APP) chuyên biệt hoặc các nền tảng số để ứng phó: Quản trị nội bộ doanh nghiệp là 12,5%; quá trình sản xuất 3,57%; quản lý chuỗi cung ứng là 1,79%; quản lý chuỗi phân phối 1,79%; Marketing là 19,64%; hình thức thanh toán 41,07%; bán hàng và dịch vụ sau bán hàng là 16,07%; tìm kiếm nguồn tài chính mới là 1,79%; họat động khác là 1,78%. Tỷ lệ doanh thu bán hàng qua các nền tảng kỹ thuật số so với tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 là 3,74%; tỷ lệ doanh thu bán hàng qua các nền tảng kỹ thuật số 9 tháng đầu năm 2020 gấp hơn 1 lần so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ doanh nghiệp có đầu tư vào thiết bị, công nghệ, phần mềm IT hoặc giải pháp kỹ thuật số mới để ứng phó với dịch Covid-19 là 5,36%. Các doanh nghiệp áp dụng nhiều hình thức liên kết để cùng chia sẻ khó khăn như: Hàng đổi hàng là 3,21%; chia sẻ đơn hàng là 9,46%; cho vay là 1,69%; cho trả chậm tiền hàng 35,14%; hình thức khác là 11,49%.

Các giải pháp doanh nghiệp dự kiến áp dụng để đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19: Đẩy mạnh thương mại điện tử là 27,7%; tập trung phát triển chuỗi cung ứng trong nước để thay thế nguồn nhập khẩu 14,19%; tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước 60,81%; thay đổi giá sản phẩm, dịch vụ là 38,85%; chuyển đổi sản phẩm chủ lực là 23,99%; sản xuất sản phẩm mới đối với thị trường là 18,07%; giải pháp khác là 6,93%.

Số lượng doanh nghiệp tham gia trả lời đã được nhận hỗ trợ
là 207 DN,Trong đó, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động/ tạm ngừng hoạt động đã được nhận hỗ trợ là 206 DN; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia trả lời đã được nhận hỗ trợ trên tổng số DN trả lời là 34,8% doanh nghiệp đang hoạt động/ tạm ngừng hoạt động đã được nhận hỗ trợ trên tổng số DN đang hoạt động/ tạm ngừng hoạt động.

Số doanh nghiệp được hỗ trợ phân theo chính sách thụ hưởng: Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí kinh doanh cho DN (bao gồm cả chi phí logistics) là 2,9%; các chính sách về tín dụng, tài chính (Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ là 4,84%; miễn, giãn, giảm lãi vay, phí ngân hàng là 11,29%; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử là 5,16%); các chính sách về thuế, phí, lệ phí (Gia hạn nộp thuế/miễn tiền chậm nộp thuế theo công văn số 897 ngày 03/3/2020 của Tổng cục Thuế là 25,16%; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41 là 10,97%; giảm phí, lệ phí là 4,84%; giảm tiền thuê đất và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là 0,97%); các chính sách về lao động và BHXH (tạm dừng đóng BHXH và kinh phí công đoàn là 3,55%; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và quỹ tử tuất là 1,29%; vay ngân hàng chính sách  xã hội với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết 42 là 0,16%; các chính sách về thị trường (đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới là 0,48%; phát triển thị trường trong nước là 2,26%); các chính sách khác 0,16%.

Thời gian trung bình từ lúc nộp hồ sơ xét duyệt xin hỗ trợ đến lúc nhận được hỗ trợ là 11,11 ngày; tỷ lệ doanh nghiệp có thời gian trung bình từ lúc nộp hồ sơ xét duyệt đến lúc nhận được hỗ trợ kéo dài dưới 1 tháng là 88,41%; Từ 1 tháng đến dưới 2 tháng là 4,83%; từ 2 tháng đến dưới 3 tháng 6,28%; từ 3 tháng trở lên là 0,48%.

Các doanh nghiệp đánh giá mức độ tác động của gói hỗ trợ đã được thụ hưởng ti tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh (theo thang điểm từ 1 đến 5), cụ thể như sau: Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí kinh doanh cho DN (bao gồm cả chi phí logistics) Điểm tác động trung bình (Điểm) 2; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực (%) 31,58; các chính sách về tín dụng, tài chính Điểm tác động trung bình (Điểm) 2,55; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực (%) 50,89; các chính sách về thuế, phí, lệ phí Điểm tác động trung bình (Điểm) 2,56; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực (%) 51,89; các chính sách về lao động và BHXH Điểm tác động trung bình (Điểm) 2,4; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực (%) 40; các chính sách khác Điểm tác động trung bình (Điểm) 2,67; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực (%) 66,67.

Trong tổng số doanh nghiệp được hỏi thì có tới 66,61% không nhận được hỗ trợ của nhà nước. Nguyên nhân là do: không biết về chính sách; quy trình, thủ tục tiếp cận quá khó khăn; không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ; đã nộp hồ sơ xin hỗ trợ nhưng chưa được nhận; nhóm nguyên nhân khác. Trong đó chủ yếu là do không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ (74,09%).Các doanh nghiệp kỳ vọng về các giải pháp của chính phủ như sau: Gia hạn và sửa đổi các giải pháp, chính sách về thuế và tiền thuê đất 64,19%; gia hạn và sửa đổi các chính sách về tài chính, tín dụng là 64,03%; mở rộng đối tượng được hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP, giảm bớt thủ tục chứng minh tình hình tài chính của người lao động và sử dụng lao động là 41,61%; tiếp tục các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước là 56,77%; hoãn thời hạn áp dụng khung giá đất mới theo quy định tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP đến hết năm 2021 là 29,68%; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động chuyển nghề do thay đổi hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 34,84%; rà soát, điều chỉnh giảm phí, lệ phí áp dụng cho năm 2021 là 66,77%. Trong đó, giải pháp hỗ trợ của chính phủ được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng nhất là Gia hạn và sửa đổi các giải pháp, chính sách về thuế và tiền thuê đất (36,45%);

Để những giải pháp này trở thành động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tiến độ triển khai các giải pháp hỗ trợ đã ban hành và tiếp tục đề ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn. Về phía các doanh nghiệp đã nhận được hỗ trợ của Nhà nước từ Chỉ thị số 11/CT-TTg, nhanh chóng triển khai hoạt động để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa nhận được hỗ trợ từ  Chỉ thị số 11/CT-TTg cần nhanh chóng tiếp cận các cơ quan liên quan để hoàn thành thủ tục cần thiết, tiếp nhận hỗ trợ ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; linh hoạt chuyển đổi mô hình SXKD hiệu quả; tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; chủ động đổi mới tư duy, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế; tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ; đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

                                                                                                               Quang Lâm

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h