Hoạt động ngành >> Thống kê

Tầm quan trọng của công tác thống kê (Bài Phát biểu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại HN tổng kết công tác Thống kê năm 1966)

03/04/2023 09:13:08 Xem cỡ chữ Google

Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
tại Hội nghị Tổng kết công tác thống kê năm 1966


 
Hôm nay, tôi nêu một số ý kiến. Đây cũng là yêu cầu của Đảng và Nhà nước đối với công tác thống kê. Rất mong các đồng chí suy nghĩ. Làm thống kê để phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nên cần phải biết Đảng và Nhà nước hiện nay đang cần gì. Trong công tác thống kê, cần đề phòng khuynh hướng chỉ làm theo điều mình đã học trong sách, làm theo điều xưa nay vẫn làm, đi theo con đường mòn, xưa nay người ta làm gì mình làm vậy cho đủ lệ bộ.

Công tác thống kê rất quan trọng. Số liệu thống kê không phải là con số chết. Mỗi con số thống kê đều có ý nghĩa của nó. Phải làm sao lúc nhìn con số người ta thấy được cái gì, hiểu được con số muốn diễn đạt cái gì, chứng minh cái gì. Nói như thế không phải muốn chứng minh cái gì thì bắt con số phải theo thế, như có người nói “thống kê muốn con số thế nào cũng được”. Đối với chúng ta, con số có ý nghĩa khách quan, khoa học. Nó phải phản ánh sự thật, phải chứng minh ta làm tốt ở chỗ nào, không tốt ở chỗ nào. Thường các đồng chí đòi hỏi con số phải kịp thời, đầy đủ, chính xác, v.v... Tôi nghĩ cái đó rất quan trọng nhưng điều quan trọng nhất là nó phải phản ánh trung thực kết quả làm việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, người làm công tác thống kê phải hiểu một cách sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đường lối của Đảng ta ở miền Bắc là công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội với tốc độ nhanh nhất. Sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội phải được chứng minh bằng con số. Công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là phát triển công nghiệp nặng. Nói công nghiệp nặng là nói cái gì trong giai đoạn hiện nay? Có phải phát triển tư liệu sản xuất không? Trong toàn quốc là cái gì? ở từng địa phương là cái gì? Phát triển công nghiệp nặng để làm gì? Có phải để tăng năng suất lao động không? Toàn bộ sự nghiệp phát triển kinh tế của ta là gì? Có phải là đem lại thắng lợi lớn nhất, đem lại nhiều sản phẩm xã hội trong thời gian ngắn nhất không? Sản phẩm xã hội phải được phân bổ như thế nào, tích luỹ bao nhiêu, tiêu dùng bao nhiêu? Tỷ lệ như thế nào là tốt? Đó đều là những vấn đề mà những người làm công tác thống kê cần quán triệt để làm tốt công tác của mình.

Con số thống kê có ý nghĩa của nó, có linh hồn của nó, bắt buộc người ta phải chú ý đến nó. ý nghĩa là ở chỗ nó chứng minh ta đi đúng đường lối hay không đi đúng đường lối của Đảng. Trong 10 năm qua, tốc độ phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp, phát triển công nghiệp, tốc độ phát triển tư liệu sản xuất, tốc độ tích luỹ, tiêu dùng, cải thiện đời sống nhân dân, tốc độ tăng năng suất lao động như thế nào? Con số làm sáng tỏ rất nhiều so với những bài thuyết trình dài dòng. Có phải người lãnh đạo Đảng và Nhà nước đòi hỏi số liệu thống kê như vậy không? Đúng như vậy đó!

Con số thống kê phải gợi ý cho người lãnh đạo, cho người làm chính sách, và nhất là nó gợi ý cho người làm kế hoạch. Hiện nay, người ta đòi hỏi con số ở ngành thống kê chưa nhiều, rồi đây sẽ đòi hỏi nhiều hơn. Hôm nay, tôi nói cũng là một đòi hỏi. Phải làm những điều tôi nói, chung cho toàn quốc, ở các cấp, các ngành, cho đến tận cơ sở. Trong toàn quốc, những người lãnh đạo chung phải dựa vào, phải đòi hỏi Tổng cục Thống kê những con số làm căn cứ. Các ngành cũng vậy. Người lãnh đạo đòi hỏi, qua con số, xem việc mình làm tốt cái gì. Vì vậy, con số thống kê phải phản ánh trung thực đồng thời phải có ý nghĩa. Rồi đây cấp tỉnh cũng đòi hỏi các đồng chí cung cấp số liệu; ở cơ sở, hợp tác xã cũng vậy, làm sao người quản trị hợp tác xã phải nhìn thấy qua con số công việc của họ làm.

Các đồng chí làm thống kê phải học, phải nắm chắc lý luận khoa học thống kê. Phải hiểu rất sâu, rất chắc để vận dụng nó, biết vận dụng nó thích hợp với hoàn cảnh nước mình. Hiểu lý thuyết, biết vận dụng, làm sao cho giản đơn, giản đơn chừng nào hay chừng ấy- Giản đơn trong phương pháp điều tra thống kê, trong cách trình bày những biểu mẫu và các báo cáo thống kê để dễ làm từ trên xuống dưới, để người lãnh đạo có thể dùng được. Thống kê là công cụ của người lãnh đạo. Nếu rườm rà quá thì không dùng được.

Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như đánh giặc, chúng ta có cách làm của chúng ta, vừa khoa học, vừa giản đơn. Khoa học nhưng giản đơn, sáng tỏ, dễ thấy. Có như vậy mới làm nổi bật việc lớn, chứng minh được, phê phán được, đòi hỏi người ta phải để ý. Giá trị thực tiễn của thống kê là ở chỗ đó. Nếu cứ làm những bảng thống kê dài 50- 70 cột số liệu rườm ra thì thời giờ đâu mà đọc mà hiểu được. Kiểu đó là bịt mắt, trám miệng người ta. Điều này khó, khó vì bản thân khoa học không phải dễ, và ta chưa có người giỏi, nắm vững lý luận và những kiến thức hiện đại về khoa học thống kê, biết vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn của ta, đề ra cách làm vừa khoa học, vừa giản đơn. Nếu các đồng chí muốn thống kê là công cụ đắc lực của người lãnh đạo thì phải suy nghĩ nhiều về vấn đề này, không giản đơn. Phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, phải nắm yêu cầu từng lúc, từng nơi.

Bây giờ tôi nói điểm thứ hai. Hiện thời ta đang nghiên cứu một vấn đề rất lớn là cải tiến và tăng cường quản lý kinh tế. Đây là một việc quan trọng vô cùng. Nếu chúng ta làm tốt một bước thì nó đem lại hiệu quả lớn lắm về phát triển kinh tế phát triển sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng ta nói chung. ở Tổng cục, chắc đã có đồng chí theo dõi vấn đề này. Các đồng chí ở Tổng cục phải theo dõi vì công tác cải tiến này nhằm vũ trang cho cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cách quản lý kinh tế tốt nhất, hiệu quả nhất. Hiện nay, ta quản lý kinh tế chưa tốt, thể hiện ở chỗ hiệu quả kinh tế chưa cao. Nói hiệu quả kinh tế thì động đến nhiều vấn đề rất lớn, ở đây tôi chỉ nói vắn tắt hiệu quả kinh tế cao là sản xuất ra nhiều sản phẩm xã hội, là sản xuất ra nhiều tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, tăng năng suất lao động, tăng tốc độ tích luỹ và tiêu dùng, cải thiện từng bước đời sống nhân dân. Cải tiến và tăng cường quản lý kinh tế để lao động của hàng triệu con người đem lại hiệu quả tốt nhất. Cải tiến quản lý kinh tế dựa vào cái gì? Chỗ dựa vững chắc nhất là con số thống kê. Tất nhiên, người lãnh đạo còn có chỗ dựa khác là thâm nhập quần chúng, thâm nhập thực tế. Nhưng con số thống kê là tấm gương phản ánh toàn diện, trung thực, nói lên được hiệu quả kinh tế của việc làm. Vì vậy, các đồng chí phải theo dõi vấn đề này và căn cứ vào chức năng của mình mà chủ động tham gia tích cực và phục vụ cho việc cải tiến và tăng cường quản lý kinh tế.

Hiện nay, hệ thống tổ chức thống kê cũng như kế hoạch từ trên xuống dưới của ta còn yếu. Tất nhiên phải vừa làm, vừa xây dựng và như vậy phải có quá trình, không thể đòi hỏi trưởng thành ngay một lúc. Nhưng phải phấn đấu cùng nhau đi lên, không thể tiến chậm được. Nếu chậm thì không có tác dụng. Người ta không thể chờ các đồng chí. Người ta cứ đi, cứ làm; nhưng, làm mà thiếu công cụ đắc lực của thống kê thì có ảnh hưởng, làm không tốt được. Thống kê phải làm sao đi kịp được với công tác quản lý kinh tế. Các đồng chí phải cố gắng lớn. Phải tìm cách làm của mình, giản đơn, gọn, có hiệu lực, ít người mà tốt.

Một khâu cực kỳ quan trọng trong việc phát triển kinh tế là xây dựng kinh tế địa phương, trong đó có nông nghiệp, công nghiệp. Vì vậy, thống kê phải coi trọng việc phục vụ xây dựng kinh tế địa phương. Về mặt này, cũng đòi hỏi có sự cố gắng lớn. Vì hiện nay, nói chung, ở địa phương chưa có bộ máy nghiệp vụ mạnh để tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế, để làm kế hoạch, làm thống kê... Bộ máy của tỉnh, thành phố yếu quá. Các đồng chí cần mạnh dạn chuyển người về địa phương để tăng cường tổ chức thống kê địa phương.

Nói kinh tế địa phương, phải nói đến kinh tế ở đơn vị cơ sở. Cải tiến và tăng cường quản lý kinh tế, cải tiến công tác kế hoạch cũng như công tác hạch toán và thống kê ở cơ sở là khâu rất quan trọng. ở đây càng phải giản đơn. Tìm cách làm giản đơn là quan trọng lắm. Tôi không có thì giờ nghiên cứu với các đồng chí phương pháp làm ở cơ sở thế nào để cho giản đơn. Chỉ nhắc các đồng chí là hiện nay cách làm thống kê ở cơ sở còn nặng nề, phức tạp, cần được xem xét lại; tìm cách nào làm cho gọn nhẹ hơn. Nói giản đơn, không phải là không khoa học, không phản ánh sự thật. Có cách phản ánh giản đơn nhưng làm nổi bật được những điểm quan trọng. Con số thống kê cuối cùng phản ánh một cách tính toán nào đó của việc hạch toán. Nhưng để phản ánh một cách tính toán nào đó, không nhất thiết phải phức tạp.

Tôi nói một điểm nữa là: trong lĩnh vực thống kê, cũng như quản lý kinh tế và các lĩnh vực khoa học khác, một mặt, ta phải học hỏi và vận dụng những hiểu biết hiện đại nhất của phe xã hội chủ nghĩa và của thế giới, mặt khác ta phải sáng tạo, tìm ra cách làm của ta. Phải học hỏi những kiến thức tiên tiến nhất, hiện đại nhất. Trong lĩnh vực thống kê cũng vậy. Không tìm tòi để hiểu biết những kiến thức về khoa học và kỹ thuật hiện đại thì nguy lắm, dễ lạc hậu.

Phe ta và thế giới ngày càng có những cái mới lắm. Trong việc tính toán người ta dùng máy móc nhiều lắm. Các đồng chí phải biết vừa học, vừa đọc, vừa đi tham quan Liên- xô, Trung Quốc, Đông Âu và cả một số nước tư bản chủ nghĩa như Pháp, Nhật v.v... Học để hiểu biết và vận dụng, vận dụng một cách sáng tạo. Không vận dụng được những thành tựu mới của khoa học- kỹ thuật thì sẽ lạc hậu. Dùng máy móc đến mức nào? Tất nhiên mức độ mình dùng lúc đầu có hạn. Nhưng mai kia sẽ dùng nhiều hơn. Cái máy ở các lĩnh vực cũng như trong công tác hạch toán và thống kê có công dụng lớn lắm. Cần chú ý nghiên cứu để từng bước cơ giới hoá công tác tính toán.

Sưu tầm: Hưng Bùi

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h