Tin Hoạt động >> Thống kê

Huyện Yên Bình phát huy thế mạnh nghề nuôi trồng và khai thác thuỷ sản năm 2022.

30/12/2022 11:02:15 Xem cỡ chữ Google
Huyện Yên Bình có lợi thế là Hồ Thác Bà với diện tích 23.400ha, trong đó mặt nước chiếm tới 19.050ha, có hơn 1.334 đồi và đảo lớn, nhỏ chiếm đến 4.350ha; chiều dài của hồ là 80km, chiều rộng từ 5 - 15km, sâu từ 15 - 34m, chứa được 3 - 3,9 tỷ mét khối nước. Ngoài tiềm năng về phát triển du lịch thì lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thuỷ sản của huyện Yên Bình cũng là một thế mạnh giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc góp phần chung vào việc phát triển kinh tế, xã hội của toàn huyện.

Anh Lê Văn Thư ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên đã gắn bó với nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên hồ Thác Bà đã nhiều năm nay. Từ khi tận dụng mặt nước sẵn có anh đã nuôi 66 lồng cá các loại, xuất bán ra thị trường từ 20 đến 25 tấn cá các loại thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trước đây bản thân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt tự nhiên. Sau khi được chính quyền địa phương khuyến khích nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Từ đó nguồn thu của gia đình ổn định hơn rất nhiều, kinh tế gia đình ngày càng khá lên rõ rệt. Hiện nay, người dân các xã vùng hồ Thác Bà của huyện Yên Bình phát triển nuôi cá trên hồ với hai hình thức: Nuôi cá trong lồng và nuôi cá quây lưới tại những eo ngách trên mặt nước. Nhờ lợi thế sẵn có, cùng những tiến bộ khoa học, và có dự án hỗ trợ của nhà nước, sản lượng cá liên tục tăng qua các năm.

            Cùng với xu thế và tiềm năng đó, Hồ Thác Bà có 3 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã và trên 170 hộ dân nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới. Trong những năm trở lại đây, hầu hết các cơ sở và hộ nuôi cá lồng đều mở rộng quy mô nuôi các loại cá đặc sản, nhất là những loại cá da trơn có nguồn giống bản địa. Nhờ phát triển thủy sản trên hồ, đã góp phần thu hút việc làm cho nhiều người dân lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định.

 

Hệ thống lồng nuôi cá của Công ty T&T trên lòng Hồ Thác Bà

            Để nâng tầm giá trị sản phẩm cá hồ Thác Bà, bên cạnh các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Công ty cổ phẩn nghiên cứu ứng dụng dịch vụ khoa học công nghệ T&T đã đầu tư hệ thống lồng nuôi cá chất lượng cao, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Đồng thời, áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa nâng cao năng suất vừa mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần nuôi cá thông thường. Với quy mô trên 101 lồng nuôi cá các loại, năm 2022, công ty đã xuất bán ra thị trường khoảng 400 - 500 tấn cá, trong đó chủ yếu là cá nheo Mỹ, cá lăng, trắm đen, diêu hồng, rô phi… đạt doanh thu khoảng 15 - 20 tỷ đồng. Hiện nay sản phẩm cá của công ty được tiêu thu rộng rãi tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

            Theo khảo sát của Chi cục Thống kê, năm 2022  sản lượng thuỷ sản của huyện Yên Bình ước đạt 7.820,2 tấn, trong đó: Sản lượng cá lồng đạt 6.669,05 tấn; Có được thành quả này là do cấp uỷ và chính quyền địa phương có giải pháp thông thoáng hành lang pháp lý, giảm thủ tục hành chính để kêu gọi đầu tư và thu hút các doanh nghiệp cùng các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân phát huy lợi thế của địa phương đưa thương hiệu cá vùng hồ Thác Bà vươn xa hơn. Ngoài ra, để đảm bảo quy mô và việc nuôi trồng thủy sản không tác động đến môi trường, tất cả các cơ sở nuôi cá trên hồ đều phải đánh giá tác động môi trường và hoàn thiện quy định, thủ tục khắt khe về bảo vệ môi trường.

            Có thể thấy với những tiềm năng, thế mạnh được thiên nhiên ban tặng, phát triển nuôi trồng thủy sản trên Hồ Thác Bà đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Đây cũng là động lực thúc đẩy người dân vùng hồ tiếp tục gắn bó với nghề, đưa sản phẩm cá của hồ Thác Bà đạt thương hiệu chất lượng cao./.

 

Bài và ảnh: Lê Thọ

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h