Thông tin kinh tế, xã hội Yên Bái >> Văn hóa - Xã hội

Phóng sự: Nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.

28/08/2019 10:32:39 Xem cỡ chữ Google

Nghề nuôi cá lồng ở các xã vùng lòng hồ Thác Bà của huyện Yên Bình đang trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân... Trong chuyến đi thực tế chúng tôi chọn xã Mông Sơn là một xã có số lượng hộ nuôi cá và số lồng cá tương đối lớn ở huyện để khảo sát thống kê số lượng cá lồng bè. Qua buổi làm việc với lãnh đạo xã, anh Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mông Sơn tâm sự: Trước đây khi chưa có dự án nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà, cả xã có 780 hộ thì số lượng hộ thuần nông chiếm tới 65%. Trong tổng số diện tích trồng lúa thì diện tích ruộng cấy lấn hồ (dưới cốt 58) chiếm 70 ha diện tích, còn lại diện tích ruộng trên cốt 58 chỉ chiếm 31,3 ha. Do đặc điểm ruộng cấy lấn hồ phụ thuộc nhiều vào mực nước lên xuống và sự điều tiết nước của nhà máy thủy điện Thác Bà nên diện tích thường không ổn định, năng suất chỉ đạt khoảng 200 kg/sào. Do ruộng có ít nên người dân thường khai thác đánh bắt cá để tạo nguồn thu nhập, những năm gần đây sản lượng cá trên hồ giảm đáng kể do đánh bắt khai thác ồ ạt, chưa khoa học. Số hộ đánh bắt thủy sản chỉ còn khoảng 150 hộ. Từ khi có dự án đầu tư hỗ trợ hộ nuôi cá lồng cùng với việc khuyến khích tạo hành lang pháp lý cho hộ nuôi chỉ cần đăng ký qua trung tâm hỗ trợ dịch vụ nông nghiệp huyện, có 26 hộ chuyển sang nuôi cá lồng với số lượng 193 lồng cá. Dự kiến sắp tới xã thành lập tổ hợp tác xã nuôi cá, tổ thu gom sản phẩm trong chương trình mỗi xã một sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm, khuyến khích các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm.

 

Anh Nguyễn Văn Đông chủ tịch Ủy ban nhân xã Mông Sơn

 

Đến với hộ anh Nguyễn Mạnh Khởi thôn Giang Sơn xã Mông Sơn là một trong những hộ nuôi cá lồng điển hình của xã, ở cái tuổi 48 dáng vẻ quắc thước với màu da nhuộm đầy nắng gió của trời và nước, anh Khởi cho biết: trước đây gia đình thuần nông diện tích ruộng đa số nằm dưới cốt 58, thu nhập gia đình bấp bênh còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhờ có dự án hỗ trợ đóng mới lồng bè của nhà nước nên gia đình chúng tôi chuyển sang nuôi cá. Hiện gia đình có 10 lồng cá với thể tích 1 lồng là 126 m3 nuôi theo từng chủng loại: Cá Nheo nuôi 8 lồng năm đầu cho thu hoạch trên 2.800 kg cá, thu được 200 triệu đồng; cá Lăng nuôi 01 lồng 02 năm đầu cho thu hoạch trên 01 tấn cá, thu được 100 triệu đồng; cá Ngạnh  01 lồng đang nuôi chưa cho thu hoạch, dự tính số cá cho thu hoạch trừ toàn bộ chi phí gia đình thu về khoảng 150 triệu đồng

 

Anh Đỗ Mạnh Khởi chủ hộ nuôi cá lồng thôn Giang Sơn, xã Mông Sơn

        Sản phẩm được tiêu thụ bởi các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh. Có được kết quả thu nhập như vậy gia đình đã nghiên cứu kỹ cách chăm sóc và chữa bệnh cho cá cùng với kinh nghiệm nuôi và tham khảo những người đã nuôi trồng thủy hải sản trên mạng. Tuy nhiên đôi khi cũng gặp phải rủi ro nhất định như năm 2017 bệnh nấm ở cá do chưa có kinh nghiệm nên thiệt hại 01 lồng cá giá trị giá giống khoảng 6 triệu đồng. Nhìn chung nghề nuôi cá nếu chịu khó đầu tư và nghiên cứu các ứng dụng khoa học, phòng trừ bệnh tật thì thu được lợi nhuận cao.

         Tạm biệt gia đình anh Khởi chúng tôi đến với Công ty cổ phần ứng dụng khoa học công nghệ T&T có địa điểm nuôi cá lồng tại tổ dân phố 01 thị trấn Thác Bà. Giữa hồ nước mênh mông xanh thẳm là cả một hệ thống lồng bè khổng lồ bao gồm 55 lồng, được kết nối với nhau bởi những đường ống nhựa có kích thước lớn có lát ván để dễ dàng đi lại khi chăm sóc cho cá. Các loại lồng đều có kích thước lớn hình trụ, đường kính từ 9 m đến 13 m, sâu 5 m; trong đó có 35 lồng có thể tích lớn khoảng 663 m3/01 lồng; 20 lồng có thể tích khoảng 318 m3 / 01 lồng. Các loại lồng cũng được chia ra nuôi từng loại cá khác nhau như: lồng nuôi cá Trắm đen 07 lồng,  cá Chép 06 lồng, cá Ngạnh 07 lồng, cá Diêu Hồng 05 lồng, cá Tầm 01 lồng, cá Rô Phi 06 lồng, cá Vược 03 lồng, cá Coi Nhật 02 lồng; số lượng lồng còn lại chủ yếu để ươm các loại giống cá.

Hệ thống lồng bè nuôi cá

 

          Anh Lò Đức Dương kỹ thuật viên nuôi cá cho biết có lồng sản lượng cao nhất bình quân đạt từ 8 đến 10 tấn /01 vụ, thường mỗi năm cho thu hoạch 02 vụ, tùy theo nhu cầu của khách hàng đặt có thể xuất lồng bán bất cứ lúc nào với khối lượng lớn vì các lồng nuôi thời gian theo chu chuyển luân phiên, cho nên sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thường xuyên, liên tục. Kỹ thuật viên cũng là người nắm chắc các quy trình chăm sóc và phòng trừ bệnh tật cho các loại cá.

Cá Diêu hồng

Cá Rô phi

 

Koi Nhật

 

Anh Đào Văn Minh, trưởng phòng kỹ thuật được công ty giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý cho biết năm vừa qua cho thu hoạch ước tính khoảng trên 100 tấn cá các loại doanh thu bình quân khoảng 6 tỉ đồng.

Được biết những năm gần đây  huyện Yên Bình rất nhiều các doanh nghiệp chuyển sang nuôi cá lồng với quy mô lớn tiềm năng phát triển đa dạng phong phú như Công ty TNHH một thành viên Thành Phú Hưng, công ty TNHH Trường Vũ, Thạch Lâm xã Tân Hương, hợp tác xã Thịnh Hưng xã Thịnh Hưng, hợp tác xã Hoàng Kim xã Thịnh Hưng, hợp tác xã hồ Thác Bà. Tính đến nay trên địa bàn huyện Yên Bình đã có 1.796 lồng cá đang được nuôi trồng, trong đó: Các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi 618 lồng, hộ dân nuôi 1.178 lồng. Nghề nuôi cá đang là hướng đi mới, tạo công ăn việc làm cho lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và người dân.

Với diện tích vùng hồ 23.400 ha, trong đó diện tích mặt nước 19.050 ha, chiều dài 80 km, mực nước dao động từ 46 đến 58 m (thường gọi là cốt 58) chứa được khoảng 3 đến 3,9 tỷ m3 nước, thực sự là tiềm năng cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên cần thực hiện việc đánh giá, quy hoạch và cần phải làm tốt công tác quản lý việc nuôi cá lồng trên hồ để tránh tình trạng nuôi tràn lan, ảnh hưởng tới nguồn nước và môi trường./.

Quốc Khánh

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h