Tin Hoạt động >> Thống kê

Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

16/05/2020 03:23:56 Xem cỡ chữ Google

          Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê đã tổ chức cuộc khảo sát nhanh nhằm thu thập thông tin về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động SXKD cũng như đánh giá của các doanh nghiệp về mức độ phù hợp của các giải pháp được đưa ra trong Chỉ thị số 11/CT-TTg đối với doanh nghiệp.

          Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 10/4/2020 đến ngày 20/4/2020 bằng hình thức trực tuyến, sử dụng bảng hỏi điện tử (Webform) trên hệ thống Điều tra doanh nghiệp năm 2020 của Tổng cục Thống kê.

          Qua khảo sát cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát 30% số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Yên Bái thì có tới 87,05% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp có quy mô lớn thường là những doanh nghiệp hoạt động có sự liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ chịu tác động nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Nhóm doanh nghiệp vừa là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất với 100%; nhóm doanh nghiệp lớn là 94,44%; nhóm doanh nghiệp nhỏ là 88,54%;  nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ (hiện chiếm 61,8% toàn bộ doanh nghiệp) là 82,22%.

          Theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI là đối tượng đang chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhất, với 100%; tỷ lệ này đối với nhóm doanh nghiệp Nhà nước là 83,33% và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 87,03%.

            Theo khu vực kinh tế dịch Covid -19 tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 86,67%, công nghiệp - xây dựng 87,57%, dịch vụ 86,49%. Trong đó có một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao lên tới 100% như: Vận tải, lưu trú, ăn uống, giáo dục, y tế, nghệ thuật, vui chơi, giải trí.

 

         

          Doanh nghiệp phải đối mặt với các khó khăn chủ yếu do tác động của dịch Covid-19 như: 56,57% doanh nghiệp bị thiếu hụt về nguồn vốn SXKD; 24,57% thiếu hụt nguồn nhiên liệu trong nước; 33,33% thiếu hụt nguồn nhiên liệu từ nhập khẩu; 47,4% thị trường trong nước bị thu hẹp; 81,82% hàng hóa sản xuất không xuất khẩu được; 46,71% không thực hiện được hoạt động SXKD; 34,26% không có nguồn thu để bù đắp cho các chi phí phát sinh; 53,98% nguồn thu không đủ để bù đắp cho các chi phí phát sinh; 31,83% không tuyển được hoặc phải cắt giảm lao động. Đáng chú ý, trong các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, có tới 81,82% doanh nghiệp khẳng định thời gian qua hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

          Dịch Covid-19 làm cho tình hình kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp chịu áp lực từ các khoản chi phí rất lớn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp như: chi phí thuê mặt bằng, chi trả lãi vay ngân hàng, trả công cho lao động, chi phí thường xuyên khác,…Trong đó chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp thời điểm khảo sát chiếm tới 44,49%, tiếp đến là chi trả lãi vay ngân hàng 41,43%; chi cho hoạt động thường xuyên khác  là 13,41%; chi thuê mặt bằng là 8,76%.

          Các doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp được ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Trong đó có những giải pháp tiêu cực như: 36,68% doanh nghiệp cắt giảm lao động; 41,87% cho lao động giãn việc nghỉ luân phiên; 15,92% giảm lương nhân viên; 32,53% cắt giảm chi phí thường xuyên; 20,76% tạm dừng sản xuất kinh doanh... Bên cạnh đó cũng có những giải pháp tích cực như: 47,4% đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động; 19,03% tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống; 7,96% tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào...

          Do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ doanh nghiệp bị sụt giảm lao động bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ là 61,92%; tỷ lệ doanh nghiệp có lao động tạm giãn việc/nghỉ luân phiên tại thời điểm tháng 4/2020 là 38,29%; tỷ lệ doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu 4 tháng đầu năm 2020 so cùng kỳ 2019 là 65,8%.

         Các doanh nghiệp dự báo: 47,98% tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; 27,57% cắt giảm quy mô SXKD; 22,38% tạm ngừng hoạt động SXKD; 2,08% phá sản; 36,92% tỷ lệ doanh thu cộng dồn dự kiến so với cùng kỳ năm trước (đối với DN cắt giảm quy mô SXKD) nếu dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2020.

           Chính phủ đã đưa ra hàng loạt những giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm nỗ lực cải thiện tình thế khó khăn của doanh nghiệp trước mắt, gần đây nhất là Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 04/3/2020.

Các doanh nghiệp đánh giá mức độ phù hợp của 9 nhóm giải pháp được đưa ra trong Chỉ thị 11/CT-TTg (theo thang điểm từ 1 đến 5, trong đó 1 là rất phù hợp và 5 là không phù hợp), cụ thể như sau: 

 

 

          Cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn là 1,57 điểm; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ là 1,47 điểm; Miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng là 1,42 điểm; Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử là 1,76 điểm; Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là 1,58 điểm; Tạm dừng đóng BHXH và kinh phí công đoàn là 1,69 điểm; Giảm thủ tục hành chính và chi phí logistics là 2,06 điểm; Không điều chỉnh tăng giá trong quý I, quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do nhà nước kiểm soát giá là 1,45 điểm; Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới là 1,84 điểm. Trong đó, giải pháp “Miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng” và giải pháp “Không điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do nhà nước kiểm soát giá” được nhiều doanh nghiệp ủng hộ nhất. Đây cũng là hai nhóm giải pháp có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá phù hợp cao nhất, với 85,81% và 86,51% doanh nghiệp đánh giá tích cực về các giải pháp.

          Chính phủ đã áp dụng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Chỉ thị số 11/CT-TTg. Các giải pháp hỗ trợ này được đánh giá là rất phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên đây chỉ được coi là đánh giá mang tính cảm nhận về chính sách, quy trình triển khai, đưa các giải pháp tới doanh nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, cụ thể: Chỉ có 7,27% doanh nghiệp đã được tiếp nhận chính sách hỗ trợ; 32,87% doanh nghiệp đã biết thông tin và đã được hướng dẫn nhưng chưa tiến hành thực hiện; 47,75% doanh nghiệp đã biết thông tin nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận chính sách; 12,11% doanh nghiệp chưa biết thông tin. Nguyên nhân là do: Thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, tiến độ thực hiện còn chậm; nhiều doanh nghiệp thực tế bị ảnh hưởng lớn bởi tác động của dịch Covid-19 nhưng không thuộc những nhóm ngành được hỗ trợ; công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các giải pháp trong Chỉ thị số 11/CT-TTg chưa thực sự hiệu quả, kịp thời; Chính phủ đã triển khai nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng này không nhiều vì các giải pháp hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi chưa đồng bộ, quy trình và thủ tục xét duyệt rườm rà, việc rà soát đúng, đủ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 không dễ dàng… 

 

       

          Các doanh nghiệp cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ, thủ tục giải ngân hỗ trợ khu vực doanh nghiệp như: 90,66% doanh nghiệp kỳ vọng tạm dừng hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; 86,51% kỳ vọng thúc đẩy nhanh việc tìm thị trường nguyên liệu/thị trường tiêu thụ mới cho doanh nghiệp; 91,35% kỳ vọng được miễn, giảm lãi suất đối với các khoản tín dụng trước đây; 88,24% kỳ vọng được miễn, giảm thuế, tiền thuê đất; 81,31% kỳ vọng được miễn, giảm giá thuê mặt bằng sản xuất; 84,78% kỳ vọng được cắt giảm một số loại thuế, phí, lệ phí cơ sở hạ tầng, phí lưu thông, phí cầu đường, bến bãi; 86,85% kỳ vọng vào việc cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện.

          Để những giải pháp này trở thành động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tiến độ triển khai các giải pháp hỗ trợ đã ban hành và tiếp tục đề ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn. Về phía các doanh nghiệp đã nhận được hỗ trợ của Nhà nước từ Chỉ thị số 11/CT-TTg, nhanh chóng triển khai hoạt động để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa nhận được hỗ trợ từ  Chỉ thị số 11/CT-TTg cần nhanh chóng tiếp cận các cơ quan liên quan để hoàn thành thủ tục cần thiết, tiếp nhận hỗ trợ ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; linh hoạt chuyển đổi mô hình SXKD hiệu quả; tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; chủ động đổi mới tư duy, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế; tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ; đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

 

Bích Diệp

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h