Năm 2023, biến đổi khí hậu (BĐKH) tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi liên tiếp các kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu bị phá vỡ, cháy rừng, mưa lớn, lũ lụt ở nhiều nơi trên thế giới. Trước tình hình đó, nhiều nước đã có những cam kết mạnh mẽ, có trách nhiệm để giải quyết vấn đề này.
Tác động tàn khốc từ biến đổi khí hậu
Theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ, ngày 03/7/2023, nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,01 độ C - mức cao nhất kể từ năm 1979 cho đến nay. Những ngày tiếp sau đó, nhiệt độ trung bình của trái đất tiếp tục tăng cao và đạt mức cao chưa từng thấy là 17,18 độ C trong ngày 06/7/2023. Cơ quan theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cũng xác nhận nhiệt độ các ngày này là cao kỷ lục trong dữ liệu của tổ chức từ năm 1940.
Sức nóng khủng khiếp của trái đất đã gây ra những hậu quả tàn khốc. Ở nhiều nơi trên thế giới bị bao phủ bởi biển lửa từ những vụ cháy nghiêm trọng, khiến hàng nghìn người phải sơ tán, hàng loạt tài sản của người dân bị thiêu trụi, phá hủy.
Vụ cháy rừng thảm khốc nhất trong năm nay diễn ra vào tháng Tám vừa qua ở vùng Evros, gần thành phố cảng Alexandroupoli của Hy Lạp. Đám cháy rừng đã hủy hoại và thiêu rụi diện tích rừng lên tới ít nhất 808,7 km2 - lớn hơn cả thành phố New York (Mỹ). Đây cũng là vụ cháy rừng quy mô lớn nhất từ trước đến nay xảy ra ở các nước EU với diện tích đất bị cháy lớn gấp ba lần so với diện tích đất bị cháy trung bình hàng năm kể từ năm 2006. Tại Hy Lạp, trên 400 nhân viên cứu hoả cũng đã được huy động để dập lửa, trong khi đó Liên minh EU cũng phải huy động 11 máy bay, 1 trực thăng để hỗ trợ quốc gia này khống chế đám cháy.
Cũng trong tháng Tám năm nay, hòn đảo du lịch Tenerife thuộc Tây Ban Nha phải trải qua những đám cháy rừng kéo dài hàng tuần do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng đi kèm gió mạnh và khô hạn. Sau gần một tuần, kể từ ngày bắt đầu bùng phát 15/8/2023, ngọn lửa đã thiêu rụi 5.000 ha trong phạm vi 50 km, tương đương 2,5% diện tích rừng trên đảo Tenerife, con số kỷ lục trong vòng 15 năm đối với hòn đảo này. Theo Hệ thống thông tin về cháy rừng của châu Âu (Effis), cộng tổng lại các vụ cháy rừng xảy ra kể từ đầu năm 2023 đến nay, hỏa hoạn đã thiêu rụi khoảng 73.000 ha rừng tại Tây Ban Nha, khiến hàng trăm nghìn người dân phải đi sơ tán.
Tại Mỹ cũng xảy ra vụ cháy rừng thảm khốc, khiến ít nhất 115 người thiệt mạng và 388 người mất tích trong tháng 8/2023. Vụ cháy rừng kinh hoàng nhất ở nước này trong hơn một thế kỷ qua đã nhấn chìm thị trấn lịch sử Lahaina - trung tâm du lịch và kinh tế của Maui ở phía tây của hòn đảo - trong cơn bão lửa. Sau vụ cháy, Lahaina gần như bị tàn phá hoàn toàn, có tới 1.700 tòa nhà mang tính biểu tượng chỉ còn là những bộ khung cháy sém.
Cùng với những vụ cháy thảm khốc, BĐKH cũng đang làm gia tăng tần suất và hậu quả nghiêm trọng của các trận mưa bão trong mùa mưa năm nay.
Trận lũ nghiêm trọng nhất diễn ra tại Libya trong tháng Chín vừa qua. Cụ thể, ngày 10/9/2023, cơn bão Daniel có sức mạnh khủng khiếp đã càn quét vùng đông bắc Libya. Do ảnh hưởng của BĐKH, cơn bão Daniel đã mang theo lượng mưa cực lớn, khiến các con đập bị vỡ, gây ra trận lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm Derna của Libya trong biển nước, làm ảnh hưởng đến khoảng 1/4 tổng số tòa nhà của thành phố, với ít nhất 891 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn và 398 tòa nhà chìm trong bùn. Theo số liệu chính thức của Liên Hợp Quốc công bố, tính đến ngày 16/9/2023, số người chết do thảm họa lũ lụt ở thành phố Derna đã lên đến con số 11.300 người. Bên cạnh đó, có ít nhất 10.100 người mất tích và hơn 40.000 người ở phía đông bắc Libya mất nhà cửa.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) khẳng định có gần 300.000 trẻ em của Libya bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sẽ đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh tả, suy dinh dưỡng, tiêu chảy và mất nước do nguồn nước địa phương bị ô nhiễm.
Vào tháng 8/2023, siêu bão Doksuri đã gây lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng ở Philippines, làm ảnh hưởng đến gần 2,4 triệu người dân với hơn 50.000 người phải sơ tán tới những nơi trú ẩn tạm thời. Thống kê sau cơn bão, quốc đảo này có tới 25 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích và nhiều nhà cửa, hoa màu, đường sá, cầu cống bị hư hại.
Mới đây nhất, vào ngày 5/10/2023, một trận lũ đã quét qua bang Sikkim thuộc vùng Đông Bắc Ấn Độ đã làm ít nhất 14 người thiệt mạng, hơn 100 người bị mất tích và 22.000 người bị ảnh hưởng.
Bên cạnh các quốc gia trên, mưa lớn, ngập lụt cũng diễn ra tại nhiều quốc gia khác như: Trung Quốc, Mỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Tây Ban Nha... Do ảnh hưởng của BĐKH, sự nóng lên của trái đất đồng thời khiến lượng băng tại Nam Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2023. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, diện tích băng tối thiểu năm 2023 thấp hơn 20% so với mức trung bình trong 30 năm qua. Lượng băng biển bị mất đi tương đương gấp gần 10 lần diện tích lãnh thổ New Zealand. Theo số liệu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), ước tính trong điều kiện hiện tại, mực nước biển trung bình toàn cầu có khả năng tăng từ 8-29 cm vào năm 2030, trong đó các khu vực xích đạo phải hứng chịu nhiều nhất. Đến năm 2070, mực nước biển trung bình được dự đoán sẽ tăng lên tới 70 cm. Việc các sông băng tan chảy khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên, cùng với mưa lớn sẽ gây ra các trận lũ bất thường, dẫn tới mức độ thiệt hại do thiên tai ngày càng nghiêm trọng. IPCC cảnh báo, sẽ có 900 triệu người sống ở các vùng ven biển có nguy cơ mất nhà cửa do mực nước biển dâng cao và hậu quả khác của BĐKH. Ngoài những ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế và cộng đồng, mực nước biển dâng còn gây ra những tác động nghiêm trọng hơn đến các khía cạnh về môi trường, pháp lý, chính trị, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa và nhân quyền.
Cộng đồng quốc tế khẩn trương hành động
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra vào ngày 20/9/2023 tại New York, Hoa Kỳ, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, nếu không có hành động sớm, nhiệt độ toàn cầu có thể nhanh chóng leo lên 2,8 độ C. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới sẽ bất ổn và nguy hiểm hơn.
Ứng phó với BĐKH là trách nhiệm chung, cộng đồng quốc tế cần khẩn trương hành động, tăng cường hợp tác, đoàn kết để giải quyết vấn đề này. Để giảm tác động của BĐKH, tại Hội nghị trên, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các nước cần có các cam kết quy mô hơn về giảm phát thải nhà kính phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C, trong đó các nước phát thải nhiều cần đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính, với mốc thời gian được đưa ra là các nước phát triển cần đạt phát thải ròng bằng “0” muộn nhất vào năm 2040 và các nền kinh tế lớn mới nổi là vào năm 2050. Mốc đạt được mục tiêu khác nhau là nhằm đảm bảo sự chia sẻ công bằng về trách nhiệm giữa các quốc gia, không để các nước nghèo phải gánh chịu hậu quả BĐKH do các nước giàu hơn gây ra.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đồng thời yêu cầu các quốc gia cần cắt giảm phát thải khí nhà kính 45% vào năm 2030; kêu gọi giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy chuyển đổi xanh công bằng. Đồng thời, tăng nguồn lực tài chính giải quyết các vấn đề khí hậu, trong đó bao gồm việc thực hiện cam kết đóng góp 100 tỷ đô la mỗi năm của các nước phát triển cho ứng phó BĐKH tại các nước đang phát triển và củng cố Quỹ Khí hậu Xanh.
Liên Hợp Quốc mong muốn các nước tiếp tục ký thêm một hiệp ước về đoàn kết khí hậu, nội dung sẽ bao gồm điều khoản yêu cầu các nước phát thải lớn nỗ lực hơn nữa để cắt giảm lượng khí thải và giúp các nước nghèo hơn đạt mục tiêu khí hậu. Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc đề xuất xây dựng một chương trình tăng tốc, để thúc đẩy các chính phủ phải “tiến nhanh hơn về phía trước”, đạt mức phát thải ròng đúng thời hạn đã được đặt ra. Liên Hợp Quốc cũng đề xuất thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm với quy mô toàn cầu cho tất cả mọi người, theo kế hoạch đã được đưa ra vào tháng 11/2022, để hạn chế tỉ lệ dân số tử vong do thảm họa từ BĐKH gây ra.
Theo phân tích, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng BĐKH là do tốc độ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo vẫn còn rất chậm. Do đó những năm qua, lãnh đạo nhiều nước đã tuyên bố giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đẩy nhanh chuyển đổi xanh quốc gia để giảm lượng phát thải. Ví dụ như Chính phủ Đan Mạch tuyên bố đặt mục tiêu giảm 70% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức năm 1990 hay như Tổng thống Bồ Đào Nha công bố chính sách phát thải bằng “0” vào 2050, áp dụng thuế các-bon và loại trừ nhiên liệu hóa thạch. Thủ tướng Ireland cũng công bố loại trừ phát điện than vào 2025, tăng năng lượng tái tạo từ 30% lên 70% trong 10 năm tới; đồng thời tăng thu từ thuế các-bon, cấm phương tiện chạy xăng và diesel vào năm 2030. Bên cạnh đó là kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than nâu vào năm 2028, loại bỏ nhựa sử dụng 1 lần vào năm 2021 của Hy Lạp; kế hoạch cung cấp giao thông công cộng miễn phí trên phạm vi quốc gia của Bỉ… Ngoài ra, nhiều tổ chức, quốc gia cũng có những cam kết tăng nguồn lực tài chính để giải quyết vấn đề BĐKH.
Tuy nhiên, những thảm họa mà BĐKH đang gây ra cho thấy dường như những nỗ lực trên là chưa đủ và các quốc gia cần có những hành động mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa như lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc/.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra vào ngày 20/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh, BĐKH tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân. Thủ tướng cho rằng giải quyết BĐKH phải có cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân, với những giải pháp đột phá, tổng thể, toàn diện, đổi mới, sáng tạo và kêu gọi cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái đất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng "0"; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau; kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh…
Đề xuất xây dựng các mối quan hệ đối tác thế hệ mới, đẩy mạnh huy động tài chính xanh cho khí hậu theo mô hình công-tư, trong đó đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, Thủ tướng cho rằng các nước phát triển, các đối tác quốc tế cần tăng gấp đôi tài chính cho các hoạt động thích ứng vào năm 2025 và đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại vào hoạt động tại COP28 như đã cam kết để hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển khắc phục những hậu quả do BĐKH gây ra; đồng thời cần tiếp tục đổi mới toàn diện hệ thống tài chính toàn cầu để tăng khả năng cung cấp tài chính xanh, giúp thế giới ứng phó tốt hơn với các thách thức lớn của biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050. |
Theo: Tạp chí Con số & Sự kiện
Năm 2023, biến đổi khí hậu (BĐKH) tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi liên tiếp các kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu bị phá vỡ, cháy rừng, mưa lớn, lũ lụt ở nhiều nơi trên thế giới. Trước tình hình đó, nhiều nước đã có những cam kết mạnh mẽ, có trách nhiệm để giải quyết vấn đề này.
Tác động tàn khốc từ biến đổi khí hậu
Theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ, ngày 03/7/2023, nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,01 độ C - mức cao nhất kể từ năm 1979 cho đến nay. Những ngày tiếp sau đó, nhiệt độ trung bình của trái đất tiếp tục tăng cao và đạt mức cao chưa từng thấy là 17,18 độ C trong ngày 06/7/2023. Cơ quan theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cũng xác nhận nhiệt độ các ngày này là cao kỷ lục trong dữ liệu của tổ chức từ năm 1940.
Sức nóng khủng khiếp của trái đất đã gây ra những hậu quả tàn khốc. Ở nhiều nơi trên thế giới bị bao phủ bởi biển lửa từ những vụ cháy nghiêm trọng, khiến hàng nghìn người phải sơ tán, hàng loạt tài sản của người dân bị thiêu trụi, phá hủy.
Vụ cháy rừng thảm khốc nhất trong năm nay diễn ra vào tháng Tám vừa qua ở vùng Evros, gần thành phố cảng Alexandroupoli của Hy Lạp. Đám cháy rừng đã hủy hoại và thiêu rụi diện tích rừng lên tới ít nhất 808,7 km2 - lớn hơn cả thành phố New York (Mỹ). Đây cũng là vụ cháy rừng quy mô lớn nhất từ trước đến nay xảy ra ở các nước EU với diện tích đất bị cháy lớn gấp ba lần so với diện tích đất bị cháy trung bình hàng năm kể từ năm 2006. Tại Hy Lạp, trên 400 nhân viên cứu hoả cũng đã được huy động để dập lửa, trong khi đó Liên minh EU cũng phải huy động 11 máy bay, 1 trực thăng để hỗ trợ quốc gia này khống chế đám cháy.
Cũng trong tháng Tám năm nay, hòn đảo du lịch Tenerife thuộc Tây Ban Nha phải trải qua những đám cháy rừng kéo dài hàng tuần do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng đi kèm gió mạnh và khô hạn. Sau gần một tuần, kể từ ngày bắt đầu bùng phát 15/8/2023, ngọn lửa đã thiêu rụi 5.000 ha trong phạm vi 50 km, tương đương 2,5% diện tích rừng trên đảo Tenerife, con số kỷ lục trong vòng 15 năm đối với hòn đảo này. Theo Hệ thống thông tin về cháy rừng của châu Âu (Effis), cộng tổng lại các vụ cháy rừng xảy ra kể từ đầu năm 2023 đến nay, hỏa hoạn đã thiêu rụi khoảng 73.000 ha rừng tại Tây Ban Nha, khiến hàng trăm nghìn người dân phải đi sơ tán.
Tại Mỹ cũng xảy ra vụ cháy rừng thảm khốc, khiến ít nhất 115 người thiệt mạng và 388 người mất tích trong tháng 8/2023. Vụ cháy rừng kinh hoàng nhất ở nước này trong hơn một thế kỷ qua đã nhấn chìm thị trấn lịch sử Lahaina - trung tâm du lịch và kinh tế của Maui ở phía tây của hòn đảo - trong cơn bão lửa. Sau vụ cháy, Lahaina gần như bị tàn phá hoàn toàn, có tới 1.700 tòa nhà mang tính biểu tượng chỉ còn là những bộ khung cháy sém.
Cùng với những vụ cháy thảm khốc, BĐKH cũng đang làm gia tăng tần suất và hậu quả nghiêm trọng của các trận mưa bão trong mùa mưa năm nay.
Trận lũ nghiêm trọng nhất diễn ra tại Libya trong tháng Chín vừa qua. Cụ thể, ngày 10/9/2023, cơn bão Daniel có sức mạnh khủng khiếp đã càn quét vùng đông bắc Libya. Do ảnh hưởng của BĐKH, cơn bão Daniel đã mang theo lượng mưa cực lớn, khiến các con đập bị vỡ, gây ra trận lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm Derna của Libya trong biển nước, làm ảnh hưởng đến khoảng 1/4 tổng số tòa nhà của thành phố, với ít nhất 891 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn và 398 tòa nhà chìm trong bùn. Theo số liệu chính thức của Liên Hợp Quốc công bố, tính đến ngày 16/9/2023, số người chết do thảm họa lũ lụt ở thành phố Derna đã lên đến con số 11.300 người. Bên cạnh đó, có ít nhất 10.100 người mất tích và hơn 40.000 người ở phía đông bắc Libya mất nhà cửa.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) khẳng định có gần 300.000 trẻ em của Libya bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sẽ đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh tả, suy dinh dưỡng, tiêu chảy và mất nước do nguồn nước địa phương bị ô nhiễm.
Vào tháng 8/2023, siêu bão Doksuri đã gây lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng ở Philippines, làm ảnh hưởng đến gần 2,4 triệu người dân với hơn 50.000 người phải sơ tán tới những nơi trú ẩn tạm thời. Thống kê sau cơn bão, quốc đảo này có tới 25 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích và nhiều nhà cửa, hoa màu, đường sá, cầu cống bị hư hại.
Mới đây nhất, vào ngày 5/10/2023, một trận lũ đã quét qua bang Sikkim thuộc vùng Đông Bắc Ấn Độ đã làm ít nhất 14 người thiệt mạng, hơn 100 người bị mất tích và 22.000 người bị ảnh hưởng.
Bên cạnh các quốc gia trên, mưa lớn, ngập lụt cũng diễn ra tại nhiều quốc gia khác như: Trung Quốc, Mỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Tây Ban Nha... Do ảnh hưởng của BĐKH, sự nóng lên của trái đất đồng thời khiến lượng băng tại Nam Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2023. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, diện tích băng tối thiểu năm 2023 thấp hơn 20% so với mức trung bình trong 30 năm qua. Lượng băng biển bị mất đi tương đương gấp gần 10 lần diện tích lãnh thổ New Zealand. Theo số liệu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), ước tính trong điều kiện hiện tại, mực nước biển trung bình toàn cầu có khả năng tăng từ 8-29 cm vào năm 2030, trong đó các khu vực xích đạo phải hứng chịu nhiều nhất. Đến năm 2070, mực nước biển trung bình được dự đoán sẽ tăng lên tới 70 cm. Việc các sông băng tan chảy khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên, cùng với mưa lớn sẽ gây ra các trận lũ bất thường, dẫn tới mức độ thiệt hại do thiên tai ngày càng nghiêm trọng. IPCC cảnh báo, sẽ có 900 triệu người sống ở các vùng ven biển có nguy cơ mất nhà cửa do mực nước biển dâng cao và hậu quả khác của BĐKH. Ngoài những ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế và cộng đồng, mực nước biển dâng còn gây ra những tác động nghiêm trọng hơn đến các khía cạnh về môi trường, pháp lý, chính trị, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa và nhân quyền.
Cộng đồng quốc tế khẩn trương hành động
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra vào ngày 20/9/2023 tại New York, Hoa Kỳ, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, nếu không có hành động sớm, nhiệt độ toàn cầu có thể nhanh chóng leo lên 2,8 độ C. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới sẽ bất ổn và nguy hiểm hơn.
Ứng phó với BĐKH là trách nhiệm chung, cộng đồng quốc tế cần khẩn trương hành động, tăng cường hợp tác, đoàn kết để giải quyết vấn đề này. Để giảm tác động của BĐKH, tại Hội nghị trên, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các nước cần có các cam kết quy mô hơn về giảm phát thải nhà kính phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C, trong đó các nước phát thải nhiều cần đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính, với mốc thời gian được đưa ra là các nước phát triển cần đạt phát thải ròng bằng “0” muộn nhất vào năm 2040 và các nền kinh tế lớn mới nổi là vào năm 2050. Mốc đạt được mục tiêu khác nhau là nhằm đảm bảo sự chia sẻ công bằng về trách nhiệm giữa các quốc gia, không để các nước nghèo phải gánh chịu hậu quả BĐKH do các nước giàu hơn gây ra.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đồng thời yêu cầu các quốc gia cần cắt giảm phát thải khí nhà kính 45% vào năm 2030; kêu gọi giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy chuyển đổi xanh công bằng. Đồng thời, tăng nguồn lực tài chính giải quyết các vấn đề khí hậu, trong đó bao gồm việc thực hiện cam kết đóng góp 100 tỷ đô la mỗi năm của các nước phát triển cho ứng phó BĐKH tại các nước đang phát triển và củng cố Quỹ Khí hậu Xanh.
Liên Hợp Quốc mong muốn các nước tiếp tục ký thêm một hiệp ước về đoàn kết khí hậu, nội dung sẽ bao gồm điều khoản yêu cầu các nước phát thải lớn nỗ lực hơn nữa để cắt giảm lượng khí thải và giúp các nước nghèo hơn đạt mục tiêu khí hậu. Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc đề xuất xây dựng một chương trình tăng tốc, để thúc đẩy các chính phủ phải “tiến nhanh hơn về phía trước”, đạt mức phát thải ròng đúng thời hạn đã được đặt ra. Liên Hợp Quốc cũng đề xuất thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm với quy mô toàn cầu cho tất cả mọi người, theo kế hoạch đã được đưa ra vào tháng 11/2022, để hạn chế tỉ lệ dân số tử vong do thảm họa từ BĐKH gây ra.
Theo phân tích, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng BĐKH là do tốc độ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo vẫn còn rất chậm. Do đó những năm qua, lãnh đạo nhiều nước đã tuyên bố giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đẩy nhanh chuyển đổi xanh quốc gia để giảm lượng phát thải. Ví dụ như Chính phủ Đan Mạch tuyên bố đặt mục tiêu giảm 70% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức năm 1990 hay như Tổng thống Bồ Đào Nha công bố chính sách phát thải bằng “0” vào 2050, áp dụng thuế các-bon và loại trừ nhiên liệu hóa thạch. Thủ tướng Ireland cũng công bố loại trừ phát điện than vào 2025, tăng năng lượng tái tạo từ 30% lên 70% trong 10 năm tới; đồng thời tăng thu từ thuế các-bon, cấm phương tiện chạy xăng và diesel vào năm 2030. Bên cạnh đó là kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than nâu vào năm 2028, loại bỏ nhựa sử dụng 1 lần vào năm 2021 của Hy Lạp; kế hoạch cung cấp giao thông công cộng miễn phí trên phạm vi quốc gia của Bỉ… Ngoài ra, nhiều tổ chức, quốc gia cũng có những cam kết tăng nguồn lực tài chính để giải quyết vấn đề BĐKH.
Tuy nhiên, những thảm họa mà BĐKH đang gây ra cho thấy dường như những nỗ lực trên là chưa đủ và các quốc gia cần có những hành động mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa như lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc/.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra vào ngày 20/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh, BĐKH tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân. Thủ tướng cho rằng giải quyết BĐKH phải có cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân, với những giải pháp đột phá, tổng thể, toàn diện, đổi mới, sáng tạo và kêu gọi cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái đất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng "0"; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau; kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh…
Đề xuất xây dựng các mối quan hệ đối tác thế hệ mới, đẩy mạnh huy động tài chính xanh cho khí hậu theo mô hình công-tư, trong đó đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, Thủ tướng cho rằng các nước phát triển, các đối tác quốc tế cần tăng gấp đôi tài chính cho các hoạt động thích ứng vào năm 2025 và đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại vào hoạt động tại COP28 như đã cam kết để hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển khắc phục những hậu quả do BĐKH gây ra; đồng thời cần tiếp tục đổi mới toàn diện hệ thống tài chính toàn cầu để tăng khả năng cung cấp tài chính xanh, giúp thế giới ứng phó tốt hơn với các thách thức lớn của biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.
Theo: Tạp chí Con số & Sự kiện